Giới chuyên gia kinh tế cũng dự báo tiến trình giảm lạm phát có phần đặc biệt này sẽ tiếp diễn ở các nền kinh tế phương Tây trong năm nay, mở đường để các nhà hoạch định chính sách bắt đầu hạ lãi suất.
Trong một cuộc khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu kinh tế Consensus Economics, các nhà phân tích dự báo lạm phát sẽ giảm từ mức đỉnh của nhiều thập kỷ thiết lập cách đây khoảng hai năm về ngưỡng 2% trong năm nay tại hầu hết các nền kinh tế phát triển, gồm: Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy và Eurozone.
TIẾN TRÌNH GIẢM LẠM PHÁT KHÁC BIỆT
Lịch sử cho thấy, thắng lợi trong các cuộc chiến chống lạm phát thường đi kèm tổn thất không hề nhỏ, bởi việc thắt chặt chính sách tiền tệ để hãm đà tăng của giá cả dễ dàng đẩy các nền kinh tế vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp ở Anh và Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập niên 1980 khi lãi suất tăng dồn dập để chống lại sự leo thang của lạm phát do cú sốc giá dầu.
Tuy nhiên, chu kỳ lạm phát hiện nay của thế giới lại có những điểm khác biệt. Nhà kinh tế Michael Saunders của Công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics nhấn mạnh rằng lạm phát ở Mỹ và Eurozone sẽ giảm về mục tiêu 2% nhưng chỉ khiến tỷ lệ thất nghiệp tại hai nền kinh tế này tăng nhẹ. “Sự giảm lạm phát một cách thuần khiết, mà ở đó lạm phát giảm bền vững về mục tiêu mà không làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, đã trở thành kịch bản chính”, ông Saunders phát biểu.
Trong vòng hai năm qua, lạm phát ở Mỹ và châu Âu đã giảm hơn một nửa. Ở Eurozone, giá tiêu dùng tháng 2 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng cao nhất mọi thời đại 10,6% thiết lập vào năm 2022. Lạm phát ở Anh đã giảm từ đỉnh 11,1% về 4%; và ở Mỹ từ 9,1% còn 3,2%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục tại Eurozone và chỉ là 3,9% ở Mỹ – cách không xa mức thấp nhất 50 năm là 3,6% được ghi nhận vào năm 2023. Trong cuộc khảo sát của Consensus Economics, các nhà phân tích dự báo tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở Mỹ trong năm nay là 4%. Trong dự báo kinh tế cập nhật sau cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 19 và 20/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng dự báo mức thất nghiệp cuối năm nay là 4%.
Ở Anh, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát của Consensus Economics dự báo chỉ tăng lên mức 4,4% trong năm nay và 4,5% trong năm 2025, từ mức gần thấp nhất 52 năm là 3,9% hiện nay.
“Xu hướng giảm lạm phát mà việc làm vẫn toàn dụng là điều hiếm thấy trong lịch sử hiện đại. Tôi thấy rằng Anh không phải là nền kinh tế duy nhất đang trải qua quá trình giảm lạm phát trong khi vẫn giữ được công ăn việc làm”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey phát biểu mới đây.
Lạm phát giảm nhưng thất nghiệp không tăng mạnh cũng đồng nghĩa với một kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ. Trong dự báo kinh tế mới nhất, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Fed dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao gấp rưỡi so với mức dự báo tăng 1,4% đưa ra trong lần cập nhật vào tháng 12 năm ngoái, đồng thời cao hơn so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Ngoài ra, niềm tin của Fed vào xu hướng giảm, dù có phần chậm lại, của lạm phát cũng được phản ánh qua việc các quan chức Fed giữ nguyên dự báo sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay với mức giảm của mỗi đợt là 0,25 điểm phần trăm.
Bà Adriana Kugler, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, phát biểu: “Lãi suất đã tăng khá nhanh, một số người đã lo sợ rằng cái giá của giảm lạm phát sẽ là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo dài. Nhưng trong khoảng hơn 1 năm qua, chúng ta đã chứng kiến lạm phát giảm đi nhiều, giảm nhanh hơn ở bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 1980 đến nay, mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ được ở mức thuộc hàng thấp nhất kể từ thập niên 1960 tới nay”.
Nhiều nhà kinh tế học, bao gồm ông Bailey và bà Kugler, cho rằng hiện tượng lạm phát giảm mà thất nghiệp không tăng có nguyên nhân nằm ở bản chất của đợt tăng lạm phát vừa rồi. Lạm phát đã tăng cao do các cú sốc nguồn cung toàn cầu như xung đột Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19. “Giai đoạn lạm phát tăng cao 2021-2023 ở các nền kinh tế phát triển là khác so với trước đây, bởi chủ yếu phản ánh các cú sốc nguồn cung thay vì do sự gia tăng mạnh của tổng cầu”, ông Saunders nhấn mạnh trong một cuộc trao đổi với tờ báo Financial Times.
VAI TRÒ CỦA KỲ VỌNG LẠM PHÁT
Nhà kinh tế trưởng Jennifer McKeown của Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nói rằng mức tăng trưởng tiền lương cao – yếu tố mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang theo dõi chặt chẽ, xem như một nguồn áp lực tăng giá chính – là một hệ quả của kỳ vọng về lạm phát cao hơn. Trong khi đó, kỳ vọng này lại xuất phát từ giá năng lượng cao và tình trạng khan hiếm lao động sau đại dịch tại một số lĩnh vực. Bà McKeown cho rằng việc tăng lương vì lý do này hiện đang chậm dần lại, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp không hề tăng lên, bởi tốc độ tăng giá và kỳ vọng lạm phát đã trở lại trạng thái bình thường khi những bóp méo liên quan đến đại dịch cân bằng trở lại.
Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng tốc độ phản ứng của các ngân hàng trung ương cũng là một yếu tố ngăn ngừa việc lạm phát cao trở nên dai dẳng. “Lý do khiến các cú sốc nguồn cung của thập niên 1970-1980 bám rễ sâu là các ngân hàng trung ương khi đó không hiểu được vai trò của kỳ vọng lạm phát và sự điều chỉnh sinh hoạt phí trong nhiều hợp đồng lao động”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Công ty phân tích Moody’s Analytics, nhận định.
Ông Zandi nói thêm rằng sự giảm lạm phát hiện nay chủ yếu nhờ vào các ảnh hưởng kinh tế của đại dịch và xung đột Nga-Ukraine đã giảm bớt. Với tác động của những cú sốc đó dịu đi nhanh chóng, thời gian vận chuyển hàng hóa hiện nay đã trở lại giống như trước đại dịch và chi phí vận tải chỉ còn bằng một phần so với ở thời điểm năm 2021. Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu và giá nông sản toàn cầu đã giảm về gần bằng mức của năm 2021 – thời điểm trước khi giá của những hàng hóa này tăng vọt do chiến tranh…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2024 phát hành ngày 25/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Link nguồn: https://vneconomy.vn/diem-khac-biet-cua-chu-ky-lam-phat-hien-nay.htm