Đất quân đội, quốc phòng thành cao ốc “chọc trời”
Tại Kết luận thanh tra vừa ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra loạt dự án “đu bám” bên đường Lê Văn Lương liên tục điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, nâng tầng cao, chuyển đổi chức năng sử dụng đất…
Có thể kể đến như, tại dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê (MB Grand Tower), Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, QHCT tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ – Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, ô đất 7.3-QĐ có chức năng an ninh quốc phòng, định hướng mục đích kinh tế, mật độ xây dựng 39%, hệ số sử dụng đất 6,32 lần, tầng cao trung bình 16,2 tầng.
Tuy nhiên, Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) có Tờ trình 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận QH định hướng tại Văn bản 3362 năm 2008 điều chỉnh thành trụ sở, văn phòng cao 21 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định số 08 năm 2005 của Chính phủ, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07 năm 2008 của Bộ Xây dựng.
Năm 2014, Sở QH-KT có Văn bản 3841 thỏa thuận khối đế cao 5 tầng, mật độ xây dựng 45%, khối tháp cao tối đa 25 tầng, mật độ 39%, là điều chỉnh quy hoạch vượt thẩm quyền, không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không có chỉ giới xây dựng.
Các ô đất có chức năng quân đội, an ninh quốc phòng liên tục điều chỉnh, biến thành những tòa cao ốc “chọc trời”. Ảnh: Đình Phong.
Đối với dự án Trụ sở làm việc Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng tại ô đất N19.1 do Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cho biết, QHCT tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ – Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, ô đất 5.6-QĐ là đất quân đội, mật độ xây dựng 39,6%, tầng cao 12 tầng nhưng Sở QH-KT có tờ trình số 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận QH định hướng tại Văn bản 3362 năm 2008 điều chỉnh ô đất này từ 12 thành 18 tầng.
Năm 2010, Sở QH-KT tiếp tục có Văn bản 4036 chấp thuận TMB, PAKT số tầng cao là 6, 17, 21 tầng (chưa bao gồm 1 tầng mái và 2 tầng hầm), là điều chỉnh quy hoạch không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, ghi số tầng cao sai QCXDVN, quy định là 22 tầng…
“Trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội, Sở QH-KT. Đề nghị Sở QH-KT, UBND TP Hà Nội kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Làm trái quy định Thủ tướng, đất cơ quan sau di dời nhường chỗ cao ốc
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện, nhiều ô đất cơ quan bên tuyến đường Lê Văn Lương sau di dời nhường chỗ cho cao ốc mọc lên, trái với quy định của Thủ tướng.
Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện, ô đất 1.1-CQ bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) là cơ quan khi di dời đi đã xây dựng dự án, công trình khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ (Chung cư Ban cơ yếu Chính phủ). Ảnh: Đình Phong.
Theo đó, tại điều 3 Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.
Tuy nhiên, sau khi di dời, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã không ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.
Trong đó, ô đất 1.1-CQ là cơ quan khi di dời đi đã xây dựng dự án, công trình khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ (Chung cư Ban cơ yếu Chính phủ) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng là chủ đầu tư; ô đất 1.2-CQ là cơ quan khi di dời đã đầu tư Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty cổ phần Xây dựng Licogi 19 làm chủ đầu tư.