Ngày 23 tháng 8 tới đây,
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ, mã CK: DPM)
sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2022. Tỷ lệ chi trả là 30%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu được nhận 3.000 đồng/cổ phiếu.
Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Đạm Phú Mỹ dự chi 1.173 tỷ đồng trả cho cổ đông. Hạn thanh toán là ngày 31 tháng 8 năm 2023.
Trước đó, DPM đã thống nhất chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 70%, công ty đã tạm ứng cổ tức tỷ lệ 40% bằng tiền vào tháng 2 vừa qua.
Trên thị trường, cổ phiếu DPM đóng cửa ngày 14/8 ở mức 41.400 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh
Quý II/2023, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu 3.707 tỷ đồng, lãi ròng 101 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và 92% so với năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý IV/2020.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, lợi nhuận quý II/2023 của DPM được cho là đã tạo đáy và nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý III và quý IV sẽ được cải thiện rõ rệt. DPM cho biết đã tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho giá cao trong 6 tháng đầu năm 2023. DPM sẽ giảm thiểu áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong nửa cuối năm 2023.
Công ty kỳ vọng biên lợi nhuận gộp 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện đáng kể. Theo hợp đồng khí năm 2023, PVN đồng ý để DPM đảm nhận tối đa 30% lượng khí đầu vào từ Bạch Hổ và Rồng Đôi Môi. Tính đến thời điểm hiện tại, DPM hầu như không thu được khí từ các mỏ này. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu điện đã phần nào được giải quyết. DPM kỳ vọng nguồn khí trong thời gian tới sẽ có mức giá hấp dẫn hơn.
Công suất tối đa của các nhà máy sản xuất phân bón tại Việt Nam là khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu khoảng 2,2 triệu tấn/năm. Mảng Ure của DPM vẫn đang chạy dư công suất và dự kiến DPM sẽ không có nhu cầu nâng công suất nhà máy do nguồn cung trong nước đã vượt cầu.
Link nguồn: https://cafef.vn/co-dong-dam-phu-my-sap-bo-tui-gan-1200-ty-dong-tien-co-tuc-188230815154014946.chn