Đúng ngày này 6 năm trước (1/3/2018), cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn chính thức lên sàn chứng khoán mang theo biết bao nhiêu kỳ vọng của nhà đầu tư sau thương vụ IPO thành công ngoài mong đợi trước đó. Cổ phiếu này có màn chào sàn UPCoM rất ấn tượng khi tăng kịch trần (+40%) lên 31.300 đồng/cp cùng giao dịch rất sôi động.
Khởi đầu suôn sẻ tưởng chừng sẽ mở ra con đường thuận lợi cho BSR trên sàn chứng khoán nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Cổ phiếu này liên tục trượt dài và có thời điểm chỉ còn chưa đến 5.000 đồng/cp (cuối tháng 3/2020), “bốc hơi” 84% so với đỉnh. Các nhà đầu tư “đu đỉnh” BSR phiên chào sàn phải mất đến hơn 4 năm mới “về bờ”, vào giữa tháng 6/2022.
Niềm vui ngắn chẳng tề gang, BSR quay đầu chóng vánh sau khi trở lại vùng đỉnh và một lần nữa lao dốc mạnh. Đến giữa tháng 11/2022, thị giá cổ phiếu này chỉ còn 1/3 so với đỉnh. Từ đây, BSR dần hồi phục nhưng chặng đường tương đối gập ghềnh. Hiện tại, cổ phiếu này đang dừng ở mức 19.900 đồng/cp, thấp hơn 36% so với đỉnh.
Vốn hóa thị trường tương ứng khoảng 62.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD), thấp hơn gần 31.000 tỷ so với thời điểm mới lên sàn 6 năm trước. Dù vậy, BSR hiện vẫn là doanh nghiệp lớn thứ 3 sàn UPCoM, chỉ sau ACV và Viettel Global (VGI).
“Bom tấn” IPO một thời
Ngược thời gian trở lại quá khứ, câu chuyện doanh nghiệp quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu (NMLD) lớn nhất nhì cả nước tiến hành IPO đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2017-18.
BSR thời điểm đó thực sự là một “bom tấn” khi phiên IPO thu hút đến 4.079 nhà đầu tư tham gia, khối lượng đặt mua gần 652 triệu đơn vị, gấp 2,7 lần lượng cổ phần chào bán. Phiên đấu giá thành công, toàn bộ 241,56 triệu cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) được bán hết với mức giá bình quân 23.043 đồng/cổ phần. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài trúng 147,8 triệu cổ phiếu.
Một trong số các nhà đầu tư nước ngoài trúng đấu giá là Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ lớn nhất thuộc quản lý của VinaCapital. Theo thông báo của VOF, quỹ đã mua khoảng 10% cổ phần của BSR trong đợt chào bán với tổng giá trị khoảng 25 triệu USD. Mức giá trúng đấu giá của VOF thấp hơn giá bình quân của thương vụ IPO Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn là 23.000 đồng/cp.
Thời điểm đó, VOF cho rằng BSR hoạt động trong một thị trường tiềm năng với 33% thị phần khiến đơn vị này trở thành khoản đầu tư tiềm năng nhất theo quan điểm của quỹ. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau khi chào sàn, thị giá BSR đã rơi sâu xuống dưới mức giá IPO và nhiều năm sau mới trở lại.
Những kế hoạch còn dang dở
Chặng đường giao dịch trên sàn nhiều chông gai, BSR còn lỡ dở không ít kế hoạch quan trọng, đặc biệt là câu chuyện thoái vốn Nhà nước. BSR có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 2,86 tỷ cổ phần (chiếm 92,12%). Theo phương án cổ phần hóa, sau khi IPO, BSR sẽ chào bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược qua đó tiến tới giảm sở hữu Nhà nước xuống còn 43%.
Thời điểm chính thức chuyển hoạt động sang CTCP tháng /7/2018, BSR cho biết có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược là Petrolimex (Việt Nam) và Indian Oil Corp (Ấn Độ). Ngoài ra, các nhà đầu tư khác như Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)… cũng đang nghiên cứu để xin được tiếp tục nộp hồ sơ tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn còn dang dở và hơn 92% cổ phần của BSR vẫn đang nằm trong tay cổ đông Nhà nước. Diễn biến giá không thuận lợi, sàn UPCoM chưa đủ hấp dẫn,… có thể là những nguyên nhân khiến BSR gặp khó trong việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Điều này được kỳ vọng sẽ khả thi hơn nếu cổ phiếu BSR chuyển sang niêm yết trên HoSE.
Trong một báo cáo hồi tháng 8 năm ngoái, Chứng khoán BSC đánh giá, trường hợp BSR được chấp thuận niêm yết trên HoSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của công ty. Bên cạnh đó, việc niêm yết trên HoSE còn góp phần tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn (cả trong và ngoài nước) của BSR.
Thế nhưng, kế hoạch niêm yết cuối năm 2023 của BSR cũng đã bị lỡ hẹn. Công ty cho biết, dù nhận được sự ủng hộ của HoSE nhưng quá trình vẫn gặp vướng mắc do thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn của công ty con BSR- BF. BSR vẫn đang chờ cuộc họp với UBCKNN để xin thêm hướng dẫn cũng như giải pháp tháo gỡ nút thắt này.
“Gã khổng lồ” với doanh thu hàng trăm nghìn tỷ
Còn nhiều vướng mắc trong công tác thoái vốn, niêm yết nhưng không thể phủ nhận BSR vẫn là một trong những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán về nhiều mặt. Doanh nghiệp này đang quản lý và vận hành NMLD Dung Quất – NMLD đầu tiên của Việt Nam. NMLD Dung Quất được khởi công xây dựng năm 2005 với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, đi vào vận hành từ năm 2009. Nhà máy có công suất 6,5 triệu USD tấn dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp mỗi năm.
Chiếm 1/3 thị phần cung ứng xăng dầu cả nước, doanh thu hàng năm của BSR vào loại rất “khủng”. Năm 2023, doanh nghiệp này tạo ra 147.000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 12% so với năm trước, xếp thứ 3 toàn sàn chỉ sau Petrolimex và Vingroup. Lãi ròng đạt 8.455 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2022 nhưng vẫn là mức cao thứ 2 kể từ khi hoạt động.
Sang năm 2024, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.148 tỷ đồng. Mức cổ tức (công ty mẹ) dự kiến là 3%, tương ứng số tiền là 930 tỷ đồng. Về tổng vốn đầu tư, kế hoạch trong năm 2024 sẽ chi gần 1.298 tỷ đồng, trong đó 994 tỷ là đầu tư xây dựng cơ bản, còn lại là mua sắm TTB và TSCĐ.
Về kế hoạch sản lượng, tổng sản lượng sản xuất tất cả mặt hàng của BSR lên kế hoạch là hơn 5,7 triệu tấn, trong đó Diesel oil đạt hơn 2,28 triệu tấn, xăng RON 95 đạt 1,73 triệu tấn, xăng RON 91/92 đạt hơn 588 nghìn tấn. Các chỉ tiêu này đều sụt giảm so với kế hoạch năm 2023. Về kế hoạch tiêu thụ, BSR đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ đạt 5,66 triệu tấn.
Link nguồn: https://cafef.vn/tron-6-nam-tu-ngay-chao-san-chung-khoan-bsr-boc-hoi-gan-31000-ty-von-hoa-lo-hen-niem-yet-hose-ke-hoach-thoai-von-nha-nuoc-van-con-dang-do-188240229165315595.chn