Động lực thúc đẩy thị trường bất động sản
Thời gian qua, do chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Thanh Hóa đã lâm vào cảnh lao đao. Lượng hàng tồn kho nhiều, việc kinh doanh, buôn bán nhà đất gặp nhiều khó khăn, các nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh…
Tuy nhiên, nhờ có những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, việc cởi mở chính sách thu hút đầu tư và những thành tựu trong kinh tế – xã hội, đến nay, khách hàng dần lấy lại niềm tin vào thị trường bất động sản Thanh Hóa. Ở tất cả các phân khúc, thị trường đang cho thấy những tín hiệu tốt, lượng giao dịch tăng cao hứa hẹn lấy lại đà tăng trưởng trước đó.
Song song với việc thu hút đầu tư, chính sách giảm thuế, giảm lãi suất ngắn hạn, cơ cấu nợ, vay mới để tiếp tục đầu tư sản xuất, tỉnh Thanh Hóa đã có những thay đổi tích cực trong chính sách và chiến lược phát triển mà thực tế đã có hàng loạt dự án đầu tư trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội với vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Điều đó được cụ thể qua việc tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành quý I/2020 ước đạt 21.812,1 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước là 2.818,1 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 1.357,7 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.955,5 tỷ đồng, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 10.593 tỷ đồng,…
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, giá trị sản xuất công nghiệp những tháng đầu quý II đạt 9.982,6 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp 43.046,5 tỷ đồng, các ngành chăn nuôi, chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp,… lấy lại đà tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ năm trước.
Trước sự tăng trưởng của kinh tế tỉnh Thanh Hóa những tháng vừa qua sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các chuyên gia bất động cho rằng, thị trường này đang dần lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh bởi nhiều yếu tố.
Ông Trần Vũ Lâm – Chuyên gia kinh tế nhận định: Thanh Hóa hiện đang trong thời kỳ vàng để phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, điều đó được thể hiện thông qua: Thanh Hoá đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, với trên 2,4 triệu lao động, chất lượng tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của địa phương, cùng sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến Thanh Hóa. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút 80 dự án đầu tư trực tiếp (9 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 7.583 tỷ đồng và 204,7 triệu USD. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 1.321 doanh nghiệp, với số vốn 14.256 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ về số doanh nghiệp và 24,2% về vốn đăng ký, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư cho 31 dự án, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD.
Trong đó, có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD (trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 22.300 tỷ đồng, phát triển hạ tầng, đô thị là 25.500 tỷ đồng, du lịch là 7.340 tỷ đồng, nông nghiệp và y tế là 1.600 tỷ đồng).
Ngoài ra, cũng tại Hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với các nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 3,7%, thấp hơn so với cùng kỳ nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu nhiều tác động nặng nề của dịch bệnh. Cơ cấu ngành trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Hoạt động đầu tư, kinh tế đối ngoại và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Tiếp tục đà tăng trưởng đó, nhà đầu tư tiếp tục được hưởng nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh Thanh Hóa đối với các hoạt động phát triển trong tất cả các lĩnh vực như: Lĩnh vực giáo dục, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tín dụng, đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa còn có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư như: Miễn tiền thuê đất, miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu,…
Cũng theo chuyên gia thì tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch để thúc đẩy thành ngành kinh tế trọng điểm và phát triển thị trường bất động sản, cụ thể bằng việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển.
Trong đó tỉnh đang gấp rút thực hiện thi công tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thanh Hóa, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không,…
Tuy nhiên, để đánh giá được sự tăng trưởng của thị trường bất động sản Thanh Hóa thì yếu tố quan trọng nhất phải kể đến đó là có bao nhiêu dự án đã và đang được triển khai, bao nhiêu dự án đang được nhà đầu tư cung cấp ra thị trường. Đồng thời, phải kể đến sức hấp dẫn, giá trị của các dự án này được nhìn nhận bằng lượng giao dịch thực tế trên thị trường.
Có thể thấy, thời gian vừa qua thị trường bất động sản Thanh Hóa đã ghi nhận không ít các dự án quy mô lớn hàng nghìn hecta, có dự án vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD. Song song với những kết quả đã đạt được thì tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã và đang mời nhà đầu tư hàng loạt dự án khác như: Dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường vành đai Đông Tây thuộc quy hoạch khu vực Đông Ga đường sắt cao tốc Bắc Nam TP. Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 3.362 tỷ đồng; dự án số 4, Khu đô thị mới Trung tâm TP. Thanh Hóa với tổng chi phí thực hiện dự kiến là 1.158 tỷ đồng; dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa có tổng diện tích 200.455m2; dự án Khu dân cư phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa có tổng chi phí thực hiện 969,494 tỷ đồng với diện tích khu đất rộng khoảng 148.000m2; dự án Khu nhà ở thuộc Khu tái định cư Hải Yến tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia với tổng diện tích 149.536m2 và tổng chi phí thực hiện dự kiến 585 tỷ đồng,…
Tăng trưởng ở tất cả các phân khúc thị trường
Những tháng gần đây, thị trường bất động sản Thanh Hóa đón nhận thêm nguồn cung mới bởi các dự án trúng đấu giá có quy mô lớn, vị trí đẹp… điều này đang khiến thị trường trở nên sôi động hơn ở tất cả các phân khúc và được đánh giá sẽ kéo lại đà tăng trưởng cho những tháng trước đó.
Ngoài các dự án đang được phân phối trên thị trường như: Dự án khu đô thị Nam TP. Thanh Hóa, khu đô thị Nam Đông Phát, chung cư Xuân Mai, khu đô thị Vinhomes, Eurowindow,… thì thị trường còn đón nhận khá nhiều các dự án đã được chấp thuận đầu tư, tổ chức đấu thầu hoặc đã khởi công xây dựng và dần đi vào hoàn thiện hoặc dự án sắp được tung ra thị trường đã và đang khiến thị trường sôi động trở lại, thu hút khá lớn lượng khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Nam, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Thanh Hóa cho biết: “Với nhiều kết quả đột phá về kinh tế, thị trường bất động sản tại Thanh Hóa trong 1 – 2 năm trở lại đây đã tăng trưởng “bùng nổ”, điều này được ghi nhận bởi nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ đổ bộ vào thị trường.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong những tháng đầu năm 2020, thị trường có dấu hiệu chững lại vì một số hạn chế về cách ly và tâm lý chung của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đời sống người dân dần đi vào ổn định, dẫn đến lượng đầu tư vào bất động sản thị trường tăng cao đã khiến thị trường bất động sản Thanh Hóa sôi động trở lại.
Ngoài phân khúc đất nền và nhà chung cư tăng trưởng mạnh thì các phân khúc khác như bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê và bất động sản công nghiệp cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực trong hơn 2 tháng gần đây bởi nhu cầu đầu tư cũng như lượng khách du lịch tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy giá trị thị trường theo chiều hướng tốt”.
Ông Nguyễn Hữu Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Phục Hưng cho rằng: “Bất động sản Thanh Hóa hiện đang gặp một chút khó khăn bởi dịch bệnh, tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có tầm nhìn và định hướng tốt thì thời điểm này lại là lúc doanh nghiệp nắm bắt nhiều cơ hội để đầu tư kiếm lời”.
Theo ông Huy, thị trường bất động sản Thanh Hóa hiện đang tăng trưởng khá so với những tháng đầu năm 2020, lượng giao dịch bất động sản tăng cao, nhất là lượng khách hàng có nhu cầu ở thực tại các dự án đất nền và căn hộ chung cư.
“Để giải bài toán về thị trường bất động sản trong những tháng tới, doanh nghiệp cần đa dạng các loại hình sản phẩm, từ cao cấp cho đến bình dân nhưng phải đảm bảo sản phẩm rẻ nhất có thể mà vẫn giúp khách hàng tiếp cận được các tiện ích tốt đó mới thực sự là bài toán hóc búa với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lúc này.
Về phương thức thanh toán, nếu trước đây quy định một thanh toán khác thì bây giờ doanh nghiệp có thể áp dụng thanh toán mỗi đợt ít đi nhằm cho khách hàng có đủ khả năng chi trả để người mua thấy được sự hợp tác, đồng cảm và chia sẻ từ chủ đầu tư.
Còn đối với Phục Hưng, chúng tôi xác định đây là lúc tất cả thành tố trong nền kinh tế cần đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn. Từ góc độ doanh nghiệp, mọi chiến lược suy cho cùng đều hướng đến khách hàng. Tất cả chúng ta đều đang trong một cái “hố” Covid-19, giải pháp là cùng hỗ trợ nhau từng bước đi lên, chứ không phải “đạp” lên nhau để trục lợi”, ông Huy chia sẻ.
Bên cạnh góc nhìn tích cực, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm giải pháp kinh doanh để duy trì hoạt động và gia tăng thêm tích lũy, điều chỉnh, phát triển sản phẩm, nghiên cứu và tìm hiểu thêm về thị trường, nhu cầu khách hàng để xây dựng kế hoạch từ nguồn cung và cầu, nhằm đưa ra mức giá cụ thể, hấp dẫn đối với khách hàng tiềm năng trong thời gian tới.