Nhà ở xã hội là nhà ở thuộc sở hữu và quản lý của cơ quan nhà nước (có thể là trung ương hoặc địa phương) hoặc được các tổ chức phi lợi nhuận xây dựng để cung cấp nhà ở giá rẻ dành cho một số đối tượng thuộc chính sách ưu tiên trong xã hội.
Giá trị nhà ở xã hội chỉ bằng một nửa nhà ở thương mại. Chính vì vậy, đây là loại hình bất động sản được rất nhiều người tìm mua, bởi nó tạo cơ hội cho những gia đình, cá nhân thu nhập thấp có được nhà ở ở thành phố. Tuy nhiên, để mua được nhà ở xã hội, người mua phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.
Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, đối tượng được mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014 gồm:
– Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
– Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
– Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
– Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định là người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước;
– Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Người mua cần đáp ứng điều kiện gì?
Để được hỗ trợ mua nhà ở xã hội thì những đối tượng nêu trên phải đáp ứng những điều kiện như điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập, bao gồm chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, đối tượng được hỗ trợ phải đáp ứng điều kiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó.
Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân…
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, cả nước có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 98 dự án đang triển khai, các sở xây dựng ban hành văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai 9 dự án.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội cấp phép mới, quy mô gần 1.200 căn tại Lạng Sơn, Phú Thọ và Quảng Ninh, nhưng lại có đến 39 dự án nhà ở thương mại quy mô gần 18.700 căn hộ được cấp phép mới.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án với hơn 142.000 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn (bao gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân), quá chậm so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Dự báo giai đoạn 2021 – 2025 nhu cầu về nhà ở xã hội cả nước cần khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu rất lớn trên, nhiều chuyên gia kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đảm bảo cho chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất.