Đồng đô la Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng hai tháng, diễn biến này được khuếch đại bởi sự tăng giá mạnh của đồng yên gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ toàn cầu trong phiên giao dịch hôm thứ Tư và sáng nay (18 tháng 7).
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot, một chỉ số của hãng thông tấn Bloomberg đo lường tỷ giá hối đoái của đồng đô la trên thị trường giao ngay, đã giảm tới 0,4% vào thứ Tư, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Sáng nay, chỉ số này tiếp tục giảm thêm, trong khi tỷ giá hối đoái của đồng yên so với đồng đô la tăng lên 155,7 yên đổi một đô la.
Ngoài áp lực giảm giá lên USD từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9, đồng yên cũng tăng giá mạnh do thị trường đồn đoán rằng cơ quan chức năng Nhật Bản có thể tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá hối đoái trong nước.
Đồng yên đã tăng khoảng 4% kể từ thứ năm, khi chính quyền Nhật Bản được cho là đã can thiệp bằng cách bán ngoại tệ. Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có thể đã can thiệp một lần nữa vào thứ sáu.
Đồng yên cũng tăng giá khi một chính trị gia có ảnh hưởng của Nhật Bản kêu gọi BOJ tăng lãi suất để hỗ trợ đồng yên, và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh báo về đồng yên yếu đi sẽ giúp Nhật Bản giành được vị thế xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Trước sự phục hồi này, tuần trước đồng yên đã giảm xuống còn gần 162 yên đổi 1 đô la, mức thấp nhất trong 38 năm.
Theo chiến lược gia trưởng Valentin Marinov của ngân hàng Credit Agricole, động thái của cặp USD/JPY dường như đã tác động mạnh đến các cặp USD khác.
Taro Kono, một ứng cử viên tiềm năng cho chức thủ tướng Nhật Bản, tuần này đã nêu lên mối lo ngại về sự sụt giảm mạnh của đồng yên so với đồng đô la, bao gồm cả tác động lạm phát của nó ở Nhật Bản. Kono cho biết mặc dù đồng yên yếu hơn có thể giúp xuất khẩu, nhưng lợi ích cho Nhật Bản bị hạn chế vì nhiều công ty Nhật Bản đã có cơ sở sản xuất ở nước ngoài.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek tuần này, ông Trump cho biết đồng đô la tăng giá đang làm tổn hại đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Mỹ, đồng thời cũng đề cập đến sự mất giá của đồng yên và đồng nhân dân tệ. Những tuyên bố này đã làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump có thể tìm cách làm suy yếu đồng đô la nếu ông tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ trong năm nay.
“Chúng ta có một vấn đề lớn với tỷ giá hối đoái. Tôi luôn nhận thấy rằng có những quốc gia cố gắng hết sức để giữ cho đồng tiền của họ ở mức thấp”, ông Trump nói.
Một lý do khác khiến đồng yên tăng mạnh là những người bán khống đồng yên đang mua vào để chốt lời trước khi Ngân hàng Nhật Bản và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đưa ra quyết định về lãi suất vào cuối tháng này. Đồng đô la đã giảm kể từ khi đạt mức cao nhất trong bảy tháng vào cuối tháng 6 khi các nhà giao dịch tăng cược rằng đợt tăng giá của đồng bạc xanh sắp kết thúc.
Roberto Cobo Garcia, chiến lược gia trưởng tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA, cho biết: “Dòng tiền nóng chảy vào các giao dịch tiền tệ phổ biến trong hai tháng qua dường như đang giảm dần trước thềm các cuộc họp của ngân hàng trung ương”.
Số liệu do BOJ công bố hôm thứ Ba cho thấy Tokyo có thể đã chi thêm 2,14 nghìn tỷ yên, tương đương 13,5 tỷ đô la, để can thiệp vào thị trường tiền tệ vào thứ Sáu tuần trước.
Nhật Bản có thể đã chi hơn 22 tỷ đô la cho đợt can thiệp hôm thứ Năm, nâng tổng số tiền can thiệp lên gần 36 tỷ đô la. Trong đợt can thiệp vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, chính quyền Nhật Bản đã chi khoảng 62 tỷ đô la để bảo vệ tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ.
Các nhà phân tích cho rằng Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ chọn thời điểm này để can thiệp vì có nhiều yếu tố hỗ trợ đồng yên, do đó hiệu ứng hỗ trợ tỷ giá có thể được khuếch đại, giúp đồng yên phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến đồng yên mất giá – chênh lệch lãi suất giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản – khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/ty-gia-dong-yen-nhay-vot-vi-gioi-dau-co-lo-so-can-thiep.htm