Tại hội nghị sơ kết 6 tháng diễn ra ngày 31/7 tại Hà Nội, đại diện VEAM đánh giá, mặc dù doanh thu 6 tháng giảm 7%, lợi nhuận trước thuế giảm 15% so với cùng kỳ nhưng Tổng công ty vẫn nỗ lực triển khai các chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Mặc dù doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thuế của VEAM giảm 14% so với 6 tháng đầu năm 2023 nhưng lần lượt đạt 94% và 98% kế hoạch năm. Trong đó, hoạt động đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận lợi nhuận được chia từ HVN, cổ tức từ các doanh nghiệp khác có vốn góp của VEAM dự kiến sẽ được ghi nhận trong quý III năm 2024.
Trong nửa đầu năm 2024, hoạt động của VEAM chịu tác động của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, leo thang xung đột tại Dải Gaza, các cuộc tấn công vào hoạt động vận tải biển tại Biển Đỏ khiến nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng mới, lạm phát toàn cầu gia tăng. Những tác động này khiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính của Công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết (trừ liên doanh) giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.569 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 44% kế hoạch năm. Riêng đối với công ty mẹ, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 80% so với cùng kỳ và chỉ đạt 27% kế hoạch năm.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh thấp so với kế hoạch là do năm 2024, công ty mẹ đặt kế hoạch tăng giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu khoảng 75% so với năm 2023 với kỳ vọng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mới tại Nhà máy ô tô VEAM (VM).
Tuy nhiên, VEAM vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý hàng tồn kho tại Nhà máy ô tô VEAM…. Kết quả sản xuất kinh doanh của VM trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa khả quan. Hầu hết các chỉ tiêu chính của Nhà máy đều giảm so với cùng kỳ năm 2023 (trừ số lượng xe bán ra cũng như lợi nhuận trước thuế).
Trong khi hoạt động của VF vẫn tương đương cùng kỳ năm 2023 và đạt trên 50% kế hoạch thì giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu bán hàng của VM chỉ đạt lần lượt 10% và 20% kế hoạch.
Đối với nhóm công ty con, tổng lợi nhuận của các đơn vị có lãi ước đạt 130 tỷ đồng, lợi nhuận của các đơn vị lỗ ước đạt âm 4,8 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận của các công ty con ước đạt 125,2 tỷ đồng, bằng 53% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 36% kế hoạch năm.
Việc phân phối lợi nhuận chung giảm mạnh chủ yếu do DISOCO chưa ghi nhận cổ tức từ FVL (Cùng kỳ năm 2023, FVL đã chia 106,3 tỷ đồng lợi nhuận cho DISOCO). Nhìn chung, hiệu quả hoạt động chung của các công ty con đều giảm ở hầu hết các chỉ tiêu và đạt từ 36% đến 49% kế hoạch năm. Nhóm 4 công ty DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp 82% doanh thu của VEAM.
Kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm, trong đó giảm ở nhóm máy nông nghiệp do một số thị trường lớn như Myanmar, Indonesia, Philippines,… mất giá tiền tệ, sức mua giảm cũng như bất ổn chính trị. Các đơn vị đóng góp nhiều vào giá trị xuất khẩu là FOMECO (9 triệu USD), SVEAM (3,3 triệu USD), DISOCO (3,4 triệu USD), FUTU 1 (2 triệu USD) VF (1,3 triệu USD).
Ông Ngô Khải Hoàn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty VEAM đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty mẹ cũng như các đơn vị thành viên của VEAM cũng đã nỗ lực triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024. Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm vẫn còn khiêm tốn và chưa như kỳ vọng, một số chỉ tiêu vẫn giảm so với kế hoạch.
Trong thời gian tới, Ban điều hành cũng như các đơn vị thành viên cần có sự chỉ đạo để đảm bảo các chỉ tiêu trong kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong quá trình triển khai các hoạt động công tác, các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc cần báo cáo Ban điều hành để có giải pháp tháo gỡ. Ông Hoàn khẳng định, với những nỗ lực này, VEAM sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/veam-loi-nhuan-truoc-thue-hon-5-569-ty-dong-trong-6-thang-dau-nam-2024.htm