Động lực chuyển đổi “vựa lúa” Thái Bình
Từng được coi là “vựa lúa” của miền Bắc, những năm gần đây, Thái Bình đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế. Theo đó, địa phương đang điều chỉnh giảm tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Cụ thể, đến năm 2023, khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản chỉ chiếm 19,9% GDP, trong khi khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 45,0% và khu vực dịch vụ chiếm 29,1%.
Đến năm 2030, Thái Bình phấn đấu đưa cơ cấu công nghiệp lên mức tối đa. Cụ thể, cơ cấu kinh tế theo ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 62,1%; GRDP bình quân đầu người tương đương mức bình quân cả nước.
Trong quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển công nghiệp dịch vụ cũng được định hướng là trụ cột tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu là xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng; là vùng trung chuyển, phân phối hàng hóa của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, Thái Bình đã xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trên diện tích 30.583 ha với chiều dài khoảng 54 km dọc theo bờ biển. Trong đó, diện tích dành cho công nghiệp, đô thị và dịch vụ là hơn 8.000 ha. Với quy mô 22 khu công nghiệp, Khu kinh tế Thái Bình dự kiến sẽ có dư địa phát triển như Khu kinh tế Quảng Yên hay Khu kinh tế Đình Vũ trong 3-4 năm tới.
Sau những nỗ lực và quyết tâm phát triển công nghiệp của Chính phủ, Thái Bình hiện đã bắt đầu gặt hái “trái ngọt” khi năm 2023, thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, cao nhất từ trước đến nay, lọt top 5 cả nước về thu hút vốn FDI, chính thức đưa Thái Bình vào “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, bức tranh kinh tế của tỉnh Thái Bình tăng trưởng vượt dự báo với nhiều chỉ tiêu ấn tượng về xuất khẩu, công nghiệp… Cụ thể, thu hút vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình đạt 7.769,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 232 triệu USD (gấp 5,7 lần so với cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 27.647 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Có thể nói, sự chuyển dịch trong bức tranh kinh tế của Thái Bình và xu hướng dòng vốn FDI đổ vào tỉnh đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của Thái Bình – vị trí chiến lược thu hút các nhà đầu tư muốn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giao thông kết nối tạo ra đột phá phát triển
Trong mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh Thái Bình xác định rõ việc tổ chức không gian phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, gắn kết chặt chẽ với vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Theo đó, quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng không gian phát triển của Thái Bình bao gồm 1 trung tâm, 4 không gian kinh tế – xã hội và 3 hành lang kinh tế.
Một trung tâm là thành phố Thái Bình, giữ vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; nơi tập trung các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ đô thị và là cầu nối với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo đó, thành phố Thái Bình tập trung phát triển đồng bộ, có hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị; sẵn sàng mở rộng để đáp ứng kịp thời đà phát triển kinh tế công nghiệp mạnh mẽ trong tương lai.
Ba hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang Tây Bắc kết nối vùng ngoại vi với các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam) và hướng tới thành phố Hà Nội, tương ứng với tuyến vành đai 5 – Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối từ vùng kinh tế ven biển đến thành phố Thái Bình và vùng kinh tế Tây Bắc thủ đô Hà Nội.
Hành lang kinh tế phía Đông kết nối trục Đông Bắc – Tây Nam, tương ứng với tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Hành lang kinh tế Đông Bắc – Tây Nam kết nối các tỉnh Bắc Trung Bộ với thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, tương ứng với tuyến đường ven biển nối liền 6 tỉnh, thành phố, hình thành chuỗi khu kinh tế ven biển, trở thành động lực kinh tế – xã hội quan trọng của toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ba hành lang kinh tế không chỉ đóng vai trò quan trọng về hạ tầng giao thông, đưa Thái Bình trở thành vùng trung chuyển, trung tâm phân phối hàng hóa cho vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ mà còn đưa địa phương này trở thành cực tăng trưởng kinh tế, công nghiệp mới của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tại Thái Bình đang làm tăng nhu cầu về nhà ở và dịch vụ tiện ích. Đây là cơ sở cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản Thái Bình với nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản.
Link nguồn: https://cafef.vn/tu-vua-lua-cua-mien-bac-thai-binh-gia-nhap-cau-lac-bo-ty-do-ve-thu-hut-fdi-mo-rong-canh-don-nha-dau-tu-bat-dong-san-18824080116410349.chn