Tiền tệ châu Á đã tăng giá mạnh so với đô la Mỹ trong những tháng gần đây, nhờ sự kết hợp của điều kiện kinh tế cải thiện, lạm phát toàn cầu thấp và cán cân thương mại thuận lợi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khi điều kiện kinh tế toàn cầu trở nên ổn định hơn, tốc độ tăng giá có thể chậm lại.
Một báo cáo của công ty nghiên cứu Capital Economics dự đoán rằng sự gia tăng của các loại tiền tệ châu Á như đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đồng yên Nhật Bản, đô la Đài Loan, đồng won Hàn Quốc, đồng ringgit Malaysia… có thể chậm lại, nhưng không có khả năng đảo ngược. “Chúng tôi kỳ vọng hầu hết các loại tiền tệ châu Á sẽ tiếp tục tăng giá, ngay cả khi giai đoạn tăng mạnh nhất có thể đã qua”, báo cáo cho biết.
Có một số yếu tố thúc đẩy sự gia tăng gần đây của các loại tiền tệ châu Á. Đầu tiên, đã có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở các nền kinh tế như Ấn Độ và Indonesia. Thứ hai, đã có sự cải thiện trong cán cân thương mại, đặc biệt là ở các nền kinh tế có hoạt động xuất nhập khẩu lớn như Hàn Quốc và Đài Loan.
Thứ ba, lạm phát giảm trên toàn cầu đã khiến các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BOE) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) cũng đang trên đà thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9. Sự điều chỉnh này thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa các nền kinh tế phương Tây và châu Á, giúp giảm bớt áp lực mất giá đối với các loại tiền tệ châu Á.
Tuy nhiên, có một số yếu tố cho thấy xu hướng tăng của các đồng tiền châu Á có thể chậm lại. Mặc dù Fed sắp cắt giảm lãi suất, nhưng tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed có thể không mạnh như kỳ vọng, dẫn đến việc thu hẹp khoảng cách lãi suất với châu Á một cách chậm chạp, trong khi kỳ vọng về khoảng cách lãi suất thu hẹp về cơ bản đã được phản ánh vào tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, khi Fed cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng sẽ cắt giảm lãi suất.
Tiếp theo, sự tăng giá gần đây của các loại tiền tệ châu Á có thể bắt đầu gây áp lực giảm đối với sức cạnh tranh xuất khẩu của các nền kinh tế khu vực. Kết quả là, cán cân thương mại có thể dịch chuyển theo hướng bất lợi hơn đối với tỷ giá hối đoái.
Chỉ số Bloomberg về tiền tệ Đông Nam Á cũng cho thấy sự chậm lại trong mức tăng. Chỉ số Sức mạnh Tương đối, thước đo biến động tỷ giá hối đoái, đã vượt qua mức 80, mức mà một loại tiền tệ thường được coi là quá mua. Các loại tiền tệ của khu vực này đã chiếm bốn vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng tiền tệ châu Á trong tháng này về mức tăng so với đô la.
Trong báo cáo công bố hôm thứ Ba, Ngân hàng DBS cho biết đồng đô la Singapore có thể chuyển sang chế độ hợp nhất trong ngắn hạn vì đồng tiền này đã bị mua quá mức cùng với các loại tiền tệ châu Á khác.
Chỉ số Bloomberg của đồng Baht Thái, đồng Ringgit Malaysia, đồng Rupiah Indonesia, đồng Peso Philippines và đồng Đô la Singapore đã tăng hơn 4% trong tháng 8 này, đánh dấu mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ ít nhất năm 2015.
DBS tin rằng một số loại tiền tệ châu Á có nhiều khả năng tăng giá hơn các loại tiền tệ khác trong khu vực, chẳng hạn như đồng rupiah của Indonesia và đồng peso của Philippines, trong khi một số loại tiền tệ khác như đồng ringgit của Malaysia và đồng baht của Thái Lan có thể ít tăng giá hơn. Trong trường hợp của Thái Lan, rủi ro chính trị giảm có thể giúp nước này thu hút thêm đầu tư nước ngoài, giúp cải thiện tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ.
Bất chấp sự suy thoái, triển vọng dài hạn đối với các loại tiền tệ châu Á vẫn tích cực, nhờ các yếu tố cấu trúc như nền tảng kinh tế vững mạnh, vị thế tài chính được cải thiện và cải cách liên tục, theo Capital Economics. Ví dụ, Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế của mình theo hướng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng thay vì dựa nhiều vào xuất khẩu, điều này có thể tạo ra nền tảng ổn định hơn cho đồng nhân dân tệ trong dài hạn.
Tuy nhiên, có một số rủi ro đối với triển vọng này. Ví dụ, sự suy thoái mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế toàn cầu hoặc lạm phát tăng có thể làm gián đoạn xu hướng tăng của các loại tiền tệ châu Á.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/ty-gia-cac-dong-tien-chau-a-so-voi-usd-co-the-tang-cham-lai.htm