Sở GTVT TP.HCM vừa xác nhận thông tin trên và cho biết đang khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Quyết định số 572/QĐ-SGTVT ngày 25/4/2024 của Sở này trước đó.
Căn cứ Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 18/9/2023 của HĐND thành phố về việc ban hành danh mục các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu để áp dụng hợp đồng BOT; đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Quyết định số 5619/QĐ-UBND về việc giao Sở Giao thông vận tải thành phố là cơ quan lập 5 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu để áp dụng hợp đồng BOT; Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định liên quan đến 5 dự án này, trong đó có Quyết định 572/QĐ-SGTVT đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.
Theo kế hoạch, Sở GTVT TP.HCM sẽ chi hơn 3,7 tỷ đồng cho 4 gói thầu của dự án Quốc lộ 13, dự kiến báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ trình HĐND TP thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý IV năm 2024. Kế hoạch này sẽ được triển khai ngay sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.
Để triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả, tránh làm gián đoạn phát triển kinh tế – xã hội nói chung và đời sống nhân dân nói riêng, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định để đẩy nhanh thủ tục đầu tư; đồng thời, phải bảo đảm công tác di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, Sở GTVT cũng cho biết đã có kế hoạch xây dựng 2 tuyến đường trên cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (tuyến đường này song song với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) kết nối với Quốc lộ 13, thay vì phương án nâng cấp, mở rộng trước đây, để tránh ùn tắc giao thông như hiện nay. Tổng mức đầu tư cho 2 tuyến đường trên cao này dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng.
Quốc lộ 13, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) nối TP.HCM với Bình Dương là những cửa ngõ quan trọng ra vùng Đông Bắc với kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giúp giao thông thông suốt giữa hai địa phương, giải quyết “điểm đen” ùn tắc giao thông tại cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM, cũng như giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dọc theo Quốc lộ 13 – Quốc lộ 14. Đây cũng là một trong 88 dự án hạ tầng trọng điểm mà TP.HCM sẽ triển khai xây dựng từ nay đến năm 2030.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2024, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP về kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông trọng điểm ưu tiên triển khai thực hiện giai đoạn 2024 – 2030. Theo đó, TP.HCM ưu tiên đầu tư 88 dự án (không tính các tuyến đường sắt đô thị theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM), bao gồm: đường cao tốc, đường đấu nối vào đường cao tốc (6 dự án); quốc lộ (4 dự án); đường vành đai (7 dự án); nút giao thông, cầu lớn (12 dự án); đường sắt đô thị (2 dự án); đường đô thị (19 dự án); đường liên vùng (9 dự án); đường thủy (18 dự án, trong đó có 3 dự án phát triển cảng, 5 dự án nạo vét luồng lạch, 10 dự án kè chống sạt lở, bảo vệ bờ sông); bãi giao thông tĩnh (11 dự án). Tổng vốn đầu tư cho 88 dự án trong giai đoạn này dự kiến khoảng 173.617 tỷ đồng.
Kế hoạch triển khai 88 dự án từ nay đến năm 2030 được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mai xác định là “thời kỳ vàng để TP.HCM hoàn thiện toàn diện hạ tầng giao thông, thu hút vốn tư nhân đa kênh tham gia các dự án trọng điểm có cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phát triển thành phố. Do đó, thành phố cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm phát huy được cả vốn ngân sách và nguồn vốn từ các nhà đầu tư”.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/tp-hcm-se-khoi-cong-du-an-quoc-lo-13-vao-dip-30-4-nam-2025.htm