Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KB (KBSV) P/E hiện tại của VN-Index là khoảng 14 lần (theo số liệu từ Bloomberg), thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 2 năm là 14,9.
Về mặt tích cực, KBSV cho rằng việc tiếp tục duy trì lãi suất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho sự phục hồi của sản xuất, công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước. Trong ngắn hạn, nửa cuối quý 3 sẽ là thời điểm quan trọng để thiết lập kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán.
Theo KBSV, các số liệu tăng trưởng vĩ mô tháng 7/2024 và quý II/2024 đã phần nào phản ánh sức mạnh nội tại của nền kinh tế, với nhiều chỉ số cho tín hiệu tích cực như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, chỉ số IIP, PMI… Tương ứng, lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý II cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ ở mức quanh 12,4%.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có những bước đi cụ thể hơn để tập trung giải quyết các vấn đề trong lộ trình nâng hạng FTSE Russell. Tuy nhiên, việc tiếp tục chậm trễ trong việc đưa hệ thống KRX vào vận hành có thể khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “bỏ lỡ cuộc hẹn” trong đợt rà soát tháng 9.
Rủi ro bên ngoài ảnh hưởng thế nào đến cổ phiếu Việt Nam?
Về rủi ro thị trường, nhóm phân tích đánh giá các yếu tố rủi ro đáng chú ý đều là các yếu tố ngoại vi, điển hình là xung đột đang có dấu hiệu leo thang tại Trung Đông, có thể tác động tiêu cực đến nguồn cung dầu và giá cước vận tải, làm tăng nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Ngoài ra, một số dữ liệu vĩ mô tại Hoa Kỳ đang suy yếu nhanh hơn dự kiến, đây có thể là dấu hiệu sớm cho thấy rủi ro suy thoái tại quốc gia này. Cụ thể, dữ liệu thất nghiệp mới công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4,3% (vượt kỳ vọng: 4,1%) và đạt mức cao nhất kể từ năm 2022. Trong bối cảnh đó, bức tranh tiêu dùng tại Hoa Kỳ vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng, và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn (đặc biệt là cổ phiếu công nghệ) đang gây thất vọng cho các nhà đầu tư, đây cũng là chỉ báo cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại.
Mặt khác, sự tăng giá của đồng tiền sau khi BOJ tăng lãi suất chính sách lên 0,25%, trong khi kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất khiến đồng USD suy yếu, khiến các nhà đầu tư thanh lý toàn bộ danh mục tài sản của mình để trả nợ bằng Yên. Các cuộc gọi ký quỹ có thể đẩy nhu cầu về Yên lên cao để bổ sung cho ký quỹ, tạo ra một vòng luẩn quẩn đẩy Yên lên cao hơn và kích hoạt nhiều cuộc gọi ký quỹ hơn.
Đánh giá tác động của các yếu tố rủi ro này đến thị trường chứng khoán Việt Namtrong khi các yếu tố địa chính trị hiện tại có ít cơ sở để dự báo, rủi ro suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ cần nhiều thời gian hơn để đánh giá. Lý do là nhiều nhà kinh tế tin rằng số liệu thất nghiệp cao là do sự tham gia tăng lên của lực lượng lao động Hoa Kỳ và số liệu tháng 7 bị ảnh hưởng bởi cơn bão Beryl ở Bờ Tây.
Hơn nữa, suy thoái nhẹ tại Mỹ tuy ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam nhưng sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán theo góc độ tỷ giá hối đoái và điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
“Cuối cùng, mặc dù sự đảo ngược vị thế Carry trade đồng Yên Nhật của các nhà đầu tư toàn cầu không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam vì dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu thông qua vốn ODA, đầu tư trực tiếp FDI hoặc đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính, nhưng những tác động gián tiếp và tâm lý sẽ cần phải được tính đến.“, báo cáo chiến lược nêu rõ.
Link nguồn: https://cafef.vn/cac-yeu-to-ngoai-bien-carry-trade-dong-yen-nhat-thoai-trao-nen-kinh-te-my-cham-lai-se-tac-dong-ra-sao-toi-chung-khoan-viet-nam-188240809105811744.chn