Nửa cuối năm 2021, thị xã La Gi – đô thị hạt nhân phía Nam Bình Thuận ghi nhận sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản trên cả nước. Một trong những yếu tố hậu thuẫn cho sự phát triển của khu vực là sự đổ bộ của hàng loạt dự án công nghiệp với mức vốn đầu tư hàng tỷ USD.
Đáng chú ý có dự án khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại Hàm Tân và La Gi, do Tổng công ty Becamex IDC và Tổng công ty VSIP hợp tác phát triển. Với quy mô 4.984 ha, tổng vốn đầu tư 18.840 tỷ đồng, Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước với dòng vốn hàng ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức tại La Gi và Hàm Tân với quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Một dự án lớn khác vừa được ký kết trong tháng 9 là chuỗi dự án điện khí LNG của Tập đoàn AES (Mỹ) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,31 tỷ USD. Đây được xem là dự án FDI có quy mô lớn trong lịch sử thu hút đầu tư tại Bình Thuận, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ngành năng lượng Việt Nam.
Trong một tọa đàm trên VnExpress, ông Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhấn mạnh, khu vực này có sự đầu tư ngày càng lớn của nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là các dự án lớn về khí hóa lỏng, điện gió ngoài khơi… Sức hút đầu tư này có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của bất động sản khu vực. “Khi đó bất động sản sẽ phục vụ hàng nghìn công nhân, kỹ sư lành nghề… Họ và bạn bè sẽ là nguồn khách hàng quan trọng sử dụng những dịch vụ bất động sản tại các khu vực này. Do đó đây là dòng sản phẩm các nhà đầu tư không nên bỏ qua”, ông Bình đánh giá.
Ở một góc nhìn khác, tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải, chuyên gia địa ốc tại Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, sự hình thành của các khu công nghiệp lớn cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ giúp La Gi tiếp tục thu hút hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ về đầu tư với dòng vốn hàng tỷ USD, đưa nơi đây trở thành điểm đến ưu tiên của dòng vốn FDI.
Công nghiệp phát triển cũng giúp khu vực này thu hút hàng nghìn lao động địa phương đang làm việc ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Lượng lao động tăng, cộng hưởng cùng các khu công nghiệp hoàn thành sẽ thúc đẩy đầu tư hạ tầng, bất động sản logistics, kho, bãi cho La Gi. Đồng thời, tạo động lực phát triển các khu đô thị, phức hợp cao cấp, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu đời sống cho người dân bản xứ cũng như nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi, giải trí… của du khách.
Theo các chuyên gia, bất động sản Nam Bình Thuận có nhiều cơ hội bứt phá, tương tự kịch bản từng xảy ra tại các “thủ phủ công nghiệp” như Bắc Giang, Bình Dương… Tại Bắc Giang, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 650 USD một năm, bằng một nửa trung bình toàn quốc. Nhưng khi những khu công nghiệp hình thành, đón xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI, kinh tế Bắc Giang có nhiều đổi khác. Vốn đầu tư nước ngoài gần như tăng gấp đôi mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu của địa phương dự kiến đạt con số 11 tỷ USD trong năm 2020, tăng 10 lần 6 năm trước. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.000 USD năm 2020. Từ một địa phương chưa từng xuất hiện trên bản đồ địa ốc, địa phương này đã thu hút loạt dự án nhà ở cho đến nghỉ dưỡng.
“Trong các địa phương tiếp theo sẽ chuyển mình nhờ bất động sản công nghiệp, La Gi là ‘ứng cử viên’ tiếp theo nhờ sự đổ bộ của các dự án tỷ USD. Lực đẩy của thị trường còn đến từ định hướng sắp lên thành phố, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đẩy nhanh tiến độ thi công, sân bay Phan Thiết hoàn thành giải phóng mặt bằng”, ông Nguyễn Văn Nam, một nhà đầu tư nhận định.