Quy hoạch chồng quy hoạch?
Đền thờ Chử Đồng Tử có ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng ngôi đền Đa Hòa thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm Hà Nội chừng 25 km tương truyền là nơi Chử Đồng Tử – Tiên Dung gặp gỡ nhau lần đầu tiên.
Đền Đa Hòa được hình thành từ năm 1894 do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh xây dựng trên nền một ngôi đền đã cũ. Địa hình đất tại đây cao, rộng và bằng phẳng, có hình chữ nhật với diện tích lên tới 19.720m2. Hướng chính Tây của ngôi đền sẽ nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên, Vào năm 1962, đền Đa Hòa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Năm 2003, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với đơn vị tư vấn là Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lập quy hoạch và quyết định phê duyệt “Dự án tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung”.
Dự án quy hoạch ba khu vực hợp thành là đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch và bãi Tự Nhiên. Bãi Tự Nhiên trong bản đổ không gian quy hoạch là bãi cát nổi giữa sông có diện tích khoảng 150ha, nối dài từ phía trước đền Đa Hòa đến bến đò xã Dạ Trạch.
Đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung nằm ngay sát sông Hồng.
Đáng chú ý, vào tháng 2/2019, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án “Khu văn hóa du lịch và dịch vụ TDTT Chử Đồng Tử và dự án sân golf Sông Hồng” với diện tích 102,2ha.
Mục tiêu của đồ án là xây dựng sân golf 18 lỗ chuẩn quốc tế cùng với các tiện tích đi kèm nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, thể thao kết hợp nghỉ dưỡng của du khách và người dân…
Vào tháng 9/2020, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục điều chỉnh quy hoạch dự án sân golf Sông Hồng. Theo phê duyệt, mục tiêu của đồ án là điều chỉnh quy mô xây dựng diện tích sân golf cho phù hợp với quy định của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, trên cơ sở đảm bảo diện tích xây dựng sân golf nhỏ hơn 90ha.
Phạm vi ranh giới nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch được thực hiện trên địa bàn các xã: Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, huyện Khoái Châu. Khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch có diện tích 89,99ha.
Di tích lịch sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hưng Yên.
Hệ lụy của dự án
Trước quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên, vào năm 2021, ông Nguyễn Phúc Lai, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, đã có văn bản kiến nghị về việc xem xét lại dự án “Khu văn hóa du lịch và dịch vụ TDTT Chử Đồng Tử và dự án sân golf Sông Hồng”.
Theo ý kiến của ông, về cơ bản, dự án “Khu văn hóa du lịch và dịch vụ TDTT Chử Đồng Tử và dự án sân golf Sông Hồng” đã được quy hoạch chồng lên, phủ định dự án “Quy hoạch tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung” do Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại quyết định 485/QĐUB ngày 5/3/2003. Trên cơ sở đó, dự án này đã vi phạm Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch.
Có thể nhận thấy quy hoạch sân golf Sông Hồng (bôi đỏ) đã chiếm phần lớn không gian bao quanh khu di tích lịch sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung.
Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Phúc Lai chia sẻ: “Các bộ, ngành liên quan cho rằng dự án chỉ triển khai bên trong không gian quy hoạch, không hề ảnh hưởng và xâm phạm đến di tích. Tuy nhiên, khi xây dựng sân golf tại đó, về lâu dài, dự án sẽ có những tác động tiêu cực đến khu di tích lịch sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung mà chúng ta không thể phục hồi được”.
Ông Lai nói thêm rằng: “Khu di tích này duy trì được giá trị bởi ý nghĩa đặc biệt vốn có, song nay thêm yếu tố sân golf áp sát sẽ rất khó để được công nhận là di tích đặc biệt như chúng ta mong muốn”.
Bên cạnh đó, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, việc sử dụng một diện tích đất rộng lớn như vậy để xây dựng sân golf là lãng phí, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân tại khu vực này.
“Đất phù sa màu mỡ, tấc đất tấc vàng, không còn lo lũ sông Hồng, tương lai sẽ là vùng trồng rau, trồng hoa và cây ăn quả, nguồn kinh tế đời nối đời của hàng nghìn gia đình nông dân. Trong khi sân golf chỉ thu nhận rất ít lao động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương rất ít ỏi”, ông Lai nói.
Đặc biệt, ông Nguyễn Phúc Lai còn nhắc đến hệ lụy khi xây dựng sân golf gần với sông Hồng: “Quanh cảnh sân golf với thảm cỏ và các công trình dịch vụ hào nhoáng, lạ mắt nhưng lại gây tác động hủy diệt môi trường sinh thái. Bởi để chăm sóc loại cỏ nhập ngoại đặc hữu, người ta phải thường xuyên dùng lượng lớn hóa chất phân bón, thuốc trừ sâu, trừ nấm, diệt cỏ dại… cùng với khối lượng lớn nước tưới”.
Theo tài liệu từ Hội bảo vệ môi trường Việt Nam, trung bình mỗi ha sân golf dùng tới 1,5 tấn hóa chất trong một năm. Tầng đất bị đầu độc, nhiều năm sau sân golf dù không còn hoạt động cũng không thể phục hồi gieo trồng được. Trung bình một sân golf 18 lỗ mỗi tháng dùng tới 150.000 mét khối nước. Nước tưới trên sân gôn rải hóa chất các loại, một phần sẽ ngấm vào lòng đất và chảy xuống Sông Hồng.
“Hiện riêng phía Hưng Yên từ Mễ Sở xuống thành phố Hưng Yên, đến Cửa Luộc đã có hàng chục trạm bơm lọc nước sạch cấp cho dân, rồi đây nước sẽ bị ô nhiễm. Rồi nguồn cá sông, nhất là mùa cá mòi có còn không?”, ông Lai băn khoăn.
Kết thúc buổi trao đổi với phóng viên, nhà văn Nguyễn Phúc Lai tâm sự rằng: “Là một người con của Hưng Yên, tôi thực sự rất buồn bởi khu di tích lịch sử Chử Đồng Tử Tiên Dung đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng. Từng có thời gian làm việc trong ngành thông tấn, tôi đánh giá cao tầm quan trọng và vai trò của báo chí trong câu nguyện này. Tôi mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí sẽ thể hiện rõ quan điểm của tôi, không chỉ để bảo vệ giá trị văn hóa của dân tộc ta, mà còn bảo vệ chính quyền lợi, sinh kế và cuộc sống của người dân”.
Tiếng nói của các nhà văn
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ngày 18/4/2022, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến ý kiến phản ánh của các nhà văn về dự án sân golf Sông Hồng tại Hưng Yên làm ảnh hưởng tới khu di tích lịch sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung.
Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam phản đối việc thực hiện dự án “Khu văn hóa du lịch và dịch vụ TDTT Chử Đồng Tử và dự án sân golf Sông Hồng” bởi những hệ lụy nghiêm trọng đối với di tích lịch sử địa phương, sinh kế của người dân và môi trường trong khu vực.
Trao đổi với PV, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Sau khi đưa phản ánh của ông Nguyễn Phúc Lai lên cổng thông tin của Hội Nhà văn Việt Nam, đông đảo các hội viên đều bày tỏ sự ủng hộ. Chúng tôi luôn nhất quán chủ trương phát triển kinh tế là điều cần thiết của đất nước, nhưng phải cân bằng với giá trị văn hóa. Đặc biệt phải bảo vệ bằng mọi giá những di tích lịch sử, văn hóa, di tích bảo tồn thiên nhiên. Bởi khi những di tích này mất đi, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tạo dựng lại được”.
Ông Nguyễn Quang Thiều nói thêm: “Trước đây, ông Nguyễn Phúc Lai cùng một số nhà văn khác đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên vấn đề này chưa được trả lời một cách thỏa đáng. Chính vì vậy, để bảo vệ di tích lịch sử Chử Đồng Tử Tiên Dung, thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã gửi công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ kèm theo những ý kiến thiết thực của các nhà văn”.
Theo ông, quan điểm của các nhà văn cũng giống như quan điểm của Nhà nước, đó chính là giá trị văn hóa phải được đặt lên một tầm cao, ngang bằng với chính trị và kinh tế. Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt trong Hội nghị Văn hóa diễn ra vào tháng 11/2021 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Nói về kiến nghị của mình, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tôi mong rằng, từ ý kiến của Hội Nhà văn và Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ nhanh chóng xem xét lại toàn bộ dự án, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ cho dư luận cũng như cho nhà văn Nguyễn Phúc Lai”.
Ông lưu ý: “Nếu xét trên thực tế, dự án có ảnh hưởng, xâm hại đến di tích lịch sử Chử Đồng Tử Tiên Dung, thì tôi đề nghị tỉnh phải dừng dự án lại và tìm một phương hướng triển khai khác. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, nhưng không cho phép vì điều đó hi sinh các giá trị văn hóa lịch sử của đất nước”.
Trước phản ánh của Hội Nhà văn Việt Nam về vấn đề này, ngày 25/4/2022, Thủ tướng Chính phủ có văn bản hồi đáp đến nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Người đứng đầu Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nghiêm túc nghiên cứu những phản ánh, kiến nghị của các nhà văn để triển khai đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong văn bản, Thủ tướng cũng nhấn mạnh không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hi sinh các giá trị văn hóa, lịch sử.
Làm việc với Nhadautu.vn , ông Đào Mạnh Huân, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết: “Sở đã nhận được văn bản của Thủ tướng cũng như chỉ đạo từ UBND tỉnh. Ngay sau đó, chúng tôi đã có một cuộc họp khẩn với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo tỉnh để đánh giá nghiêm túc lại vấn đề mà nhà văn Nguyễn Phúc Lai phản ánh”.
Nói về các vấn đề mà các nhà văn nêu ra, ông Huân khẳng định rằng: “Ngay từ thời điểm tỉnh phê duyệt dự án, các đơn vị quản lý của Hưng Yên, đặc biệt là Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá đầy đủ những yếu tố như việc bảo vệ di tích lịch sử, hay rủi ro về tác động đối với môi trường. Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến của nhà văn Nguyễn Phúc Lai và chỉ đạo Thủ tướng, chúng tôi chắc chắn sẽ phải ngồi lại để tiếp tục xem xét, và đánh giá tính khả thi của dự án”.
Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cũng nói thêm rằng: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức một buổi hội thảo liên quan đến dự án sân golf sông Hồng. Buổi hội thảo sẽ có sự tham gia của các ban, ngành tỉnh Hưng Yên, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng như đại diện từ phía người dân để đánh giá đầy đủ những tác động liên quan đến khu vực di tích lịch sử, an sinh xã hội cũng như bảo vệ môi trường”.
Ông Huân khẳng định: “Quan điểm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên luôn là bảo vệ các di tích lịch sử quan trọng của địa phương cũng như của Việt Nam. Trong mọi tình huống, chúng tôi luôn làm việc theo chủ trương của Nhà nước, đặc biệt không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hi sinh các giá trị văn hóa, lịch sử”.