Thống kê từ các thành viên thị trường cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ghi nhận diễn biến ảm đạm trong thời gian gần đây.
Theo đó, xét về giá trị phát hành mới, số liệu do MBS tổng hợp cho thấy, từ ngày 1 đến 18/7, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 11.300 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, trong đó phần lớn phát hành đến từ các ngân hàng thương mại, chiếm hơn 96%.
Các đợt phát hành đáng chú ý gồm: Viettinbank phát hành 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%; SHB phát hành 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6% và HDBank phát hành 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%.
Việc các ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu đồng loạt được cho là nhằm mục đích củng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục tăng lên 14% trong những tháng cuối năm.
Tính từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân có trọng số 7 tháng đầu năm ước đạt 7,4%, thấp hơn mức bình quân 8,3% của năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 96.200 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65%, lãi suất bình quân có trọng số là 5,4%/năm, kỳ hạn bình quân là 4 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất gồm: Techcombank 17.000 tỷ đồng, ACB 12.700 tỷ đồng, MBBank 8.900 tỷ đồng.
Ngành Bất động sản đứng thứ hai với tổng giá trị phát hành là 32.600 tỷ đồng, trong khi giá trị phát hành cùng kỳ năm 2023 là 47.500 tỷ đồng, chiếm 22%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản là 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,7 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất gồm: Công ty Cổ phần Vinhomes 12.500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup – Công ty Cổ phần 10.000 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng 2.500 tỷ đồng.
Ngành ngân hàng chiếm 83,5% khối lượng mua lại trong tháng. Tính đến ngày 18/7, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước đạt khoảng 10.100 tỷ đồng, giảm 60% so với tháng trước. Tính từ đầu năm, khoảng 84,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 42% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7, có thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, nâng tổng số doanh nghiệp chậm thanh toán lên 116 doanh nghiệp. Hiện nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán chậm ước tính khoảng 209,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành của toàn thị trường, trong đó lĩnh vực bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68% giá trị chậm thanh toán.
MBS ước tính sẽ có hơn 95.300 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, chủ yếu đến từ ngành Bất động sản với giá trị trái phiếu đáo hạn đạt hơn 61.900 tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn. Tiếp theo là ngành Ngân hàng – tổng giá trị ước đạt 14.280 tỷ đồng, chiếm 15% giá trị đáo hạn.
Đối với trái phiếu đáo hạn, VIS Rating ước tính có tới 60% trong số 9 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không thể trả nợ gốc đúng hạn vào tháng 7.
Cụ thể, trong số 5,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ không trả được nợ gốc đúng hạn, có tới 5,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu do các công ty trong ngành xây dựng và bất động sản nhà ở phát hành trước đó không trả được lãi đúng hạn trong năm 2023 như Nova Land, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát, Kita Invest. 200 tỷ đồng trái phiếu còn lại có nguy cơ không trả được nợ gốc do một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phát hành.
“Trong 12 tháng tới, khoảng 18% trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị 207 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn. Chúng tôi ước tính rằng 27% trái phiếu có nguy cơ không thể trả nợ gốc đúng hạn, chủ yếu ở các ngành bất động sản nhà ở và xây dựng. 65% trong số các trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó” – VIS Rating dự báo.
Về lãi suất, theo FiinRatings, sau giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh vào cuối năm 2022, đã xuất hiện các giao dịch trái phiếu của các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính với lợi suất đáo hạn (YTM) rất cao, từ 20-30%, có trường hợp đặc biệt YTM tăng lên tới hơn 50%.
Các giao dịch này chủ yếu diễn ra ở các trái phiếu Bất động sản có thanh khoản nhỏ (<100 tỷ đồng) trong giai đoạn cuối năm 2023 - đầu năm 2024, khi doanh nghiệp chưa có điều kiện thu xếp tài chính để trả nợ hoặc mua lại trái phiếu, cũng như chịu áp lực cắt lỗ từ một số nhà đầu tư.
Trong nửa cuối năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã gặp khó khăn về thanh khoản khi thị trường chung chưa thuận lợi. Do đó, đã có những trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch với lợi suất lên tới 20-25%.
Điều này phần nào phản ánh khẩu vị rủi ro tương đối của các nhà đầu tư đã mua vào, vì các giao dịch này thường diễn ra ở các trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng rất thấp. Đây thường là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án. Trong khi đó, áp lực tài chính của họ tương đối lớn trong 12-18 tháng tới và khả năng tái cấp vốn hoặc huy động vốn mới là thách thức.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-giam-manh-uoc-tinh-so-cham-tra-hon-5-000-ty-trong-thang-7.htm