Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng là bước tiến lớn trong việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.
Luật Đất đai năm 2024 chính thức xóa bỏ rào cản pháp lý và khẳng định quyền sở hữu bất động sản bình đẳng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều này được nêu rõ tại Khoản 3 và Khoản 6 Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận, bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Và Khoản 1 Điều 44, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam; có quyền sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các dự án phát triển nhà ở.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 4 triệu người có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam trong tương lai, trong đó có người nước ngoài, Việt kiều.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đất Xanh Services vừa công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và cũng nhận định, quy định thông thoáng mới cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà gắn liền với đất tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Phần lớn Việt kiều mua và muốn mua nhà tại Việt Nam đều thuộc phân khúc tầm trung, phục vụ nhu cầu nhà ở thực sự, không phải đầu cơ. Việt kiều hiện có nhu cầu đầu tư bất động sản thường tìm kiếm các sản phẩm đầu tư dài hạn, và thường tập trung vào các phân khúc có tiềm năng khai thác cho thuê, có khả năng sinh lời cao.
Trong trường hợp mua để tích lũy tài sản, Việt kiều thường lựa chọn bất động sản vùng ngoại ô TP.HCM, nơi có vị trí đắc địa, dân cư đông đúc. Bởi những khu vực này có tiềm năng tăng giá trong tương lai và dễ cho thuê, tạo nguồn thu nhập ổn định.
“Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm qua vẫn giữ vững vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến hết năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng năm 2023, lượng kiều hối đổ về nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được gửi vào thị trường bất động sản”. – Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết.
Việc đổi mới Luật Đất đai là quan điểm phù hợp với xu hướng tích cực của quốc tế. Lượng kiều hối chuyển về sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản đang “khát vốn”.
Dự đoán xu hướng phát triển của thị trường bất động sản dành cho người nước ngoài tại Việt Nam trong những năm tới, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính dự báo sẽ có rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bao gồm cả những người vẫn còn quốc tịch và những người không còn quốc tịch, đầu tư để sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Cùng với đó, thủ tục hành chính để xác minh một cá nhân có phải là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hay là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là rất quan trọng. Các thủ tục đòi hỏi phải nhanh chóng nhưng phải chặt chẽ để tránh đầu cơ.
Link nguồn: https://cafef.vn/phan-khuc-bat-dong-san-nao-se-hut-dong-kieu-hoi-chay-ve-188240730080631788.chn