Chi phí thẻ tín dụng mà người tiêu dùng Mỹ phải trả trong năm 2023 cao gấp rưỡi so với năm 2020, đặt gánh nặng lên ngân sách của các gia đình ở nước này và gây bất lợi đối với Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm nay.
Theo dữ liệu từ Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), tiền lãi và tiền phí thẻ tín dụng ở nước này tăng thêm 51 tỷ USD trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, lên mức 157 tỷ USD. Còn theo dữ liệu từ công ty phân tích Moody’s Analytics, tỷ lệ quá hạn thanh toán các khoản nợ tín dụng ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong khoảng 13 năm.
Chỉ trong vòng 3 năm, nợ thẻ tín dụng của người Mỹ đã tăng chóng mặt. Trong báo cáo công bố vào cuối năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York cho biết nợ thẻ tín dụng ở nước này đã lập kỷ lục 1,13 nghìn tỷ USD, tăng với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất trong hơn 20 năm qua.
Ở mức 4%, tỷ lệ trễ hạn thanh toán nợ thẻ tín dụng ở Mỹ vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 7,1% ghi nhận ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, thu nhập của người Mỹ cũng tăng trong khoảng thời gian đó, giúp giảm bớt rủi ro của việc dư nợ thẻ tín dụng tăng.
Dù vậy, giới phân tích nói rằng vay nợ thẻ tín dụng tăng mạnh là một dấu hiệu cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi phí sinh hoạt trong bối cảnh giá cả mọi hàng hoá và dịch vụ từ thực phẩm cho tới vé máy bay đều tăng trong hai năm qua.
“Mức nợ của các hộ gia đình đã tăng lên nhiều, và các khoản vay thẻ tín dụng có lãi suất cao nhất trong các khoản vay tiêu dùng. Đó thực sự là một dấu hiệu cho thấy các gia đình có thu nhập thấp hơn ở Mỹ đang đối mặt với sức ép tài chính gia tăng”, nhà kinh tế Robert Sockin của ngân hàng Citi nhận định.
Lãi suất vay qua thẻ tín dụng ở Mỹ đã lên tới kỷ lục 22,8% vào cuối năm 2023, vượt qua đỉnh cũ thiết lập vào thập niên 1980 – theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg.
Sự gia tăng đồng thời của lãi suất và dư nợ thẻ tín dụng đã giúp đưa lợi nhuận ở mảng kinh doanh thẻ tín dụng của các ngân hàng ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Năm ngoái, các ngân hàng ở nước này lãi khoảng 92 tỷ USD từ cho vay thẻ tín dụng sau khi đã trừ đi chi phí vốn và các khoản vay bị thất thoát – theo ước tính của tờ báo Financial Times dựa trên số liệu của FDIC. Mức lãi này nhiều gấp đôi so với mức 45 tỷ USD cách đây 1 thập kỷ và cũng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, cho vay thẻ tín dụng là một lĩnh vực có sự tập trung lớn. Khoảng một nửa số khoản vay thẻ tín dụng ở Mỹ đến từ nhóm 4 ngân hàng lớn dẫn đầu là JPMorgan Chase. Hơn 20 ngân hàng lớn tiếp theo chiếm phần lớn của số còn lại.
Đối với Đảng Cộng hoà, gánh nặng thẻ tín dụng tăng là một bằng chứng cho thấy sự yếu kém trong chính sách kinh tế của Tổng thống Dân chủ Biden. Họ chỉ trích ông Biden đã gây ra một cuộc khủng hoảng chi phí đối với tầng lớp thu nhập thấp. Trong khi đó, chính quyền của ông Biden cố gắng chứng minh rằng họ đang tìm cách xử lý các công ty cho vay thẻ tín dụng áp phí quá cao.
Mối lo về nợ thẻ tín dụng nổi lên trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ vẫn bi quan về nền kinh tế thời ông Biden, mặc cho thị trường chứng khoán nước này tăng điểm mạnh, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vững vàng, và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Sự bi quan này đặt ra trở ngại lớn cho nỗ lực tái tranh cử của ông Biden năm nay.
Một nửa người Mỹ được hỏi cho biết họ cảm thấy nghèo đi so với cách đây 4 năm, khi cựu Tổng thống Donald Trump còn cầm quyền, đồng thời đánh giá thành tựu kinh tế của ông Trump là tốt hơn nhiều so với những gì ông Biden làm được.
Tuy vậy, giới phân tích nói rằng gánh nặng nợ thẻ tín dụng chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận tương đối nhỏ của dân số Mỹ, và họ cũng không thể giải thích vì sao người Mỹ cảm thấy bi quan về nền kinh tế ngay cả khi tiền lương đang tăng và tỷ lệ thất nghiệp gần thấp kỷ lục.
“Nợ thẻ tín dụng không phải là vấn đề. Đây chỉ là vấn đề lớn của một bộ phận nhỏ người Mỹ”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói với Financial Times.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/no-the-tin-dung-ganh-nang-cua-nen-kinh-te-my.htm