Thanh khoản tăng mạnh sau giờ nghỉ trưa, lệnh bán ồ ạt tràn vào thị trường đẩy VN-Index giảm mạnh. Khoảng 15.000 tỷ đồng được trao tay trên HoSE trong 2 giờ giao dịch buổi chiều, cao hơn gần 2,5 lần so với giá trị khớp lệnh của cả buổi sáng.
Số lượng cổ phiếu giảm sàn tăng nhanh, đạt 91 cổ phiếu vào cuối phiên trong bối cảnh sức mua và bán mất cân bằng. Bên bán đang mạnh lên trong khi dòng tiền vào “mua đáy” vẫn thận trọng. Những nhà đầu tư “mua đáy” trong 2 tuần qua không thu được lợi nhuận T+ mà còn chịu lỗ.
Cổ phiếu giảm sàn xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành, từ cổ phiếu lớn đến nhỏ, vừa và đầu cơ. Rổ VN30 có GVR giảm sàn. Hàng loạt cổ phiếu lớn bị bán mạnh, đẩy thanh khoản lên cao, như FPT giảm 3,7% với giá trị giao dịch hơn 1.254 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn.
Giống như làn sóng cổ phiếu công nghệ diễn ra tại một số thị trường, trong nước, FPT và nhiều cổ phiếu trong ngành có diễn biến khá tiêu cực. CMG, ST8, ITD giảm sàn. ELC giảm sát sàn, VNZ đóng cửa giảm hơn 4,7%. Một cổ phiếu khác có giao dịch nghìn tỷ đô trong phiên hôm nay là HPG, với xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Cổ phiếu đóng cửa giảm 4,7%. Hàng loạt cổ phiếu trong ngành như VCA, TLH, NKG, SMC đều giảm sàn.
Số lượng cổ phiếu giảm sàn tập trung ở nhóm bất động sản với DXS, HPX, DXG, SIP, ITA, SZC, QCG, IDI, HTN, SCR, ASM, HDG, HHS, LDG… Nhóm ngân hàng không có cổ phiếu nào giảm sàn, tuy nhiên, hơn một nửa số cổ phiếu giảm hơn 4%. Sự sụt giảm lớn và đều ở nhóm có vốn hóa lớn nhất khiến thị trường càng thêm hỗn loạn. VCB khiến VN-Index mất 2,5 điểm, theo sau là BID, TCB, CTG…
Sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán trong nước không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khu vực và thế giới. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 và Topix của Nhật Bản đều giảm mạnh. Trong đó, Nikkei mất toàn bộ mức tăng từ đầu năm, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/8 giảm 13,57%.
Sự suy giảm bắt đầu vào cuối tuần trước sau khi Ngân hàng Nhật Bản ra tín hiệu sẽ can thiệp vào đồng yên, khiến nó tăng vọt lên gần 150 yên đổi một đô la. Đồng yên tăng giá đã khiến các cổ phiếu hưởng lợi từ đồng yên yếu hơn rơi vào tình trạng bán tháo.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,1% trước khi giao dịch lúc 2:41 chiều giờ Seoul, vì mức giảm quá lớn đến mức kích hoạt bộ ngắt mạch của sàn giao dịch. Ở Hàn Quốc, bộ ngắt mạch được kích hoạt khi biến động vượt quá 8%.
Cổ phiếu Trung Quốc đang giảm. Shanghai Composite giảm 1,54%, ShenZhen Component giảm 1,85%. Hang Seng Index giảm 1,56%.
Chỉ số Nasdaq của Mỹ chủ yếu tập trung vào công nghệ đã giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh vào giữa tháng 7 khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đạt mức cao nhất trong gần một năm, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Link nguồn: https://cafef.vn/dieu-dien-ra-trong-phien-giao-dich-chung-khoan-dang-quen-18824080516310166.chn