Tăng trưởng cả trong nước và quốc tế
Ngày 30/7, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán: VNM) công bố báo cáo tài chính quý II, với tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.665 tỷ đồng, vượt qua mức đỉnh 16.194 tỷ đồng của quý III/2021 để trở thành quý có doanh thu cao nhất. Đây cũng là quý có tốc độ tăng trưởng cao nhất của doanh nghiệp kể từ đầu năm 2022 với mức tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Kết quả này được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 5,8% và 29,9% theo năm.
Về cơ cấu doanh thu, thị trường nước ngoài đóng góp 18,5% doanh thu hợp nhất trong quý II. Trong đó, doanh thu xuất khẩu thuần đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5,9% của quý I.
Đối với các chi nhánh nước ngoài tại Campuchia và Hoa Kỳ, doanh thu thuần trong quý II/2024 đạt 1.384 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng 9,6% của quý I.
Trong khi đó, nguồn doanh thu chính từ kênh nội địa đạt 11.850 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong 3 quý gần đây, nhờ mức tăng trưởng hai chữ số của các dòng sản phẩm sữa chua, sữa đặc, sữa hạt…
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất đạt 30.790 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 48,7% kế hoạch năm.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II đạt 2.695 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4.903 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 52,3% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30 tháng 6, Vinamilk có tổng tài sản là 54.194 tỷ đồng và tỷ lệ nợ trên tổng tài sản là 14,7%.
Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk nhận xét, Vinamilk đã có một quý nổi bật khi tổng doanh thu hợp nhất lập kỷ lục mới, doanh thu tăng trưởng ở tất cả các mảng từ nội địa, xuất khẩu đến các đơn vị thành viên trong và ngoài nước.
Theo bà Liên, kết quả này đến từ việc liên tục cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, tối ưu hiệu quả hoạt động và chiến lược đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Còn Vietjet và Thế Giới Di Động thì sao?
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt 15.128 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) trong quý II, lợi nhuận trước thuế đạt 517 tỷ đồng (tăng 683% so với quý II/2023).
Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt 34.016 tỷ đồng doanh thu (tăng 15% so với cùng kỳ) và 1.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 433% so với cùng kỳ và vượt 21% kế hoạch năm). Trong nửa đầu năm nay, Vietjet đã vận chuyển 13,1 triệu lượt hành khách và thực hiện 70.154 chuyến bay.
Quý II, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – mã chứng khoán: DCM) đạt doanh thu thuần 3.863 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 569 tỷ đồng (tăng 97% so với quý II/2023). Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 6 quý của Đạm Cà Mau.
Trong 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.607 tỷ đồng (tăng 10%) và lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng (tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023). Như vậy, Đạm Cà Mau đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 gần 16%.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) kết thúc quý II với doanh thu thuần 34.100 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của MWG đạt hơn 65.600 tỷ đồng và đạt 52% kế hoạch năm.
Quý II, Thế giới di động công bố lãi ròng gần 1.200 tỷ đồng, gấp 67 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận lũy kế của MWG đạt gần 2.100 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm.
Link nguồn: https://cafef.vn/nhieu-doanh-nghiep-lai-dam-188240731102520609.chn