Trong năm qua, Jack Latham, một nhiếp ảnh gia người Anh, đã dành ra một tháng tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam để thu thập hình ảnh về những ‘công ty’ không chính thức chuyên cung cấp dịch vụ tăng lượng truy cập và tương tác ảo trên các nền tảng mạng xã hội. Những bức ảnh này sau đó được giới thiệu trong cuốn sách mới của ông, mang tên “Beggar’s Honey,” mang đến cái nhìn sâu sắc về thế giới ít được biết đến của các “trại cày view”, vốn đang ‘thao túng’ thuật toán và tác động đến quan điểm của người dùng trên mạng xã hội.
“Hầu như mọi người dùng mạng xã hội đều khao khát được chú ý – họ đang cầu xin sự chú ý ấy.”, Jack Latham trả lời CNN. Theo nhiếp ảnh gia này, ham muốn nhận được sự chú ý của người dùng đã trở thành hàng hóa cho các nhà quảng cáo và tiếp thị trong kỷ nguyên số.
Từ những năm 2000, sự bùng nổ của mạng xã hội, với những cái tên nổi tiếng như Facebook và Twitter (nay được đổi thành X), đã mở ra một thị trường mới cho các hồ sơ kỹ thuật số (hay tài khoản ảo) được chăm chút cẩn thận, trong khi các tổ chức và thương hiệu nỗ lực không ngừng để tăng cường độ hiển thị và ảnh hưởng của mình. Các trại cày view, mặc dù thời điểm chính xác của sự xuất hiện vẫn chưa được làm rõ, đã trở thành đề tài cảnh báo từ giới công nghệ kể từ năm 2007.
Trong chuyến đi tới Việt Nam, Latham đã thăm 5 trại cày view tại các khu vực ngoại ô Hà Nội. Một số trại hoạt động theo cách truyền thống với hàng trăm điện thoại được quản lý thủ công, trong khi những trại khác áp dụng một phương pháp mới mẻ, gọn nhẹ hơn, được gọi là “hộp cày like” – một thuật ngữ mà Latham đã nghe thấy trong quá trình nghiên cứu của mình, với nhiều điện thoại chỉ gồm mainboard mà không có màn hình và pin, được kết nối chung và điều khiển qua một giao diện máy tính.
Latham cũng nhận xét rằng một số trại cày view mà ông thăm là doanh nghiệp gia đình, trong khi những trại cày khác thậm chí có vẻ giống như các công ty công nghệ. Latham lưu ý rằng hầu hết nhân viên đều là người trẻ tuổi, trong độ tuổi 20 và 30.
“Chúng giống như các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon,” ông nói. “Có sự hiện diện của một lượng lớn phần cứng … tường treo đầy điện thoại.”
Trong tác phẩm của mình, Jack Latham ghi lại – dù là cách ẩn danh – cuộc sống hàng ngày của những người nhân viên được thuê để làm nhiệm vụ kích view (hay kích like). Trong một bức ảnh đặc biệt, chúng ta thấy một người đàn ông ngồi lẻ loi giữa một rừng thiết bị điện tử, một công việc dường như đầy sự cô đơn và lặp đi lặp lại.
“Chỉ một người thôi cũng có thể quản lý hàng loạt điện thoại,” Latham chia sẻ với CNN và giải thích thêm, “Một mình họ có thể thực hiện công việc của tới 10.000 người. Điều này vừa mang lại cảm giác cô đơn, vừa tạo nên một không gian đông đúc.”
Trong quá trình thăm các trại cày view, Latham ghi nhận rằng mỗi người thường được giao nhiệm vụ chăm sóc một nền tảng truyền thông xã hội cụ thể. Một ví dụ điển hình là một nhân viên sẽ chịu trách nhiệm đăng tải và bình luận hàng loạt trên Facebook, hoặc quản lý các kênh YouTube, nơi họ phát và xem video lặp đi lặp lại. Ông cũng lưu ý rằng TikTok đã trở thành nền tảng được ưa chuộng nhất tại các trại cày view mà ông đã thăm.
Những người cày view mà Latham trò chuyện thường quảng bá dịch vụ của họ trên internet với giá chỉ dưới một xu Mỹ (khoảng 200 VNĐ) cho mỗi lượt nhấp chuột, lượt xem, hoặc tương tác. Mặc dù công việc này mang bản chất gian lận, họ vẫn xem đó như một công việc bình thường, theo lời kể của nhiếp ảnh gia.
Ông kết luận, “Có một sự hiểu biết chung rằng họ chỉ đang cung cấp một dịch vụ,” và nhấn mạnh, “Không có điều gì mờ ám cả. Họ đang cung cấp một lối đi tắt.”
Nhận thức lừa đảo
Trong quá trình nghiên cứu, Latham nhận thấy rằng các thuật toán thường xuyên đề xuất những video ông cho là ngày càng “cực đoan” sau mỗi lần tương tác.
Ông nói, “Nếu bạn liên tục tiêu thụ những nội dung như vậy, rất nhanh chóng, bạn sẽ trở nên cực đoan một cách mù quáng.” Ông cho rằng, sự lan truyền thông tin sai lệch là một trong những vấn đề tồi tệ nhất, “diễn ra ngay trong túi bạn, không phải trên các phương tiện truyền thông truyền thống, và đáng sợ hơn là nó được tinh chỉnh riêng biệt cho từng cá nhân.”
Với mong muốn nâng cao nhận thức về vấn đề này và những nguy hiểm kèm theo, Latham dự định trưng bày một phiên bản thu nhỏ của trại cày view – một chiếc hộp nhỏ chứa một số điện thoại được kết nối với giao diện máy tính – tại Liên hoan Hình ảnh Vevey 2024 ở Thụy Sĩ. Ông mua thiết bị này ở Việt Nam với giá khoảng 1.000 đô la Mỹ và thỉnh thoảng sử dụng nó để thử nghiệm trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân.
Trên Instagram, các bức ảnh của Latham thường nhận được vài chục đến vài trăm lượt thích. Tuy nhiên, khi ông sử dụng thiết bị cày view cá nhân để quảng bá cuốn sách mới nhất của mình, một bài viết đã thu về hơn 6.600 lượt thích. Nhiếp ảnh gia mong muốn mọi người nhận ra rằng hiện tượng họ chứng kiến trên mạng xã hội phức tạp hơn nhiều và số liệu không phản ánh tính xác thực.
“Khi mọi người hiểu rõ hơn về cách thức vận hành của hệ thống, họ có khả năng đưa ra quyết định thông minh hơn,” ông nói.
Tham khảo CNN (Lược dịch)
Link nguồn: https://cafef.vn/nhiep-anh-gia-nuoc-ngoai-dot-nhap-trai-cay-view-tai-viet-nam-he-lo-cach-hang-nghin-chiec-dien-thoai-khong-man-hinh-thao-tung-thuat-toan-facebook-tiktok-1882403131336222.chn