Sáng nay (25/9), tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đô la Mỹ đã vượt ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023. Đồng tiền Trung Quốc đang có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh nước này vừa công bố gói kích thích kinh tế quy mô lớn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất mạnh, gây áp lực giảm giá lên đồng bạc xanh.
Đồng nhân dân tệ được giao dịch ngoài thị trường đại lục tại một thời điểm đã tăng lên 6,9951 nhân dân tệ cho một đô la. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm vào tháng 7, đồng tiền này đã phục hồi khoảng 4%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 24/9 đã công bố gói kích thích mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, bao gồm các biện pháp cắt giảm dự trữ bắt buộc, hạ lãi suất, bơm thanh khoản vào thị trường tài chính và hỗ trợ người mua nhà. Gói kích thích này nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại mạnh mẽ này đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của Bắc Kinh trong năm nay.
Sau khi kế hoạch được công bố, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 0,65% so với USD trong phiên giao dịch cùng ngày.
Nhân dân tệ đã tăng giá so với đô la trong quý 3 do kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi cắt giảm lãi suất nửa phần trăm vào tuần trước. Kỳ vọng đó đang đẩy chỉ số đô la so với rổ sáu loại tiền tệ chính xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Chỉ số đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba ở mức 100,47 điểm, giảm so với mức 100,85 điểm của phiên trước. Sáng nay, chỉ số tiếp tục giảm, xuống mức 100,26 điểm vào lúc 7:00 sáng giờ Việt Nam – theo dữ liệu từ MarketWatch.
Trên thị trường tương lai lãi suất, các nhà giao dịch đang đặt cược vào khả năng 100% Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm tại cuộc họp vào tháng 11. Xác suất cắt giảm 0,5 điểm phần trăm là hơn 58% và khả năng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm là gần 42% – theo dữ liệu từ Công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME.
Các nhà phân tích cho biết xu hướng tăng của đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục nếu đồng đô la mất giá thúc đẩy các nhà xuất khẩu Trung Quốc hồi hương một số đô la mà họ nắm giữ ở nước ngoài và chuyển đổi chúng thành tiền tệ địa phương. Dòng vốn chảy vào Trung Quốc tăng lên vào tháng 8, khi các công ty trong nước ghi nhận doanh số bán ngoại tệ ròng tại các ngân hàng thương mại lần đầu tiên sau 14 tháng, theo Bloomberg.
Nhu cầu PBOC hỗ trợ đồng nhân dân tệ cũng đã giảm. Tỷ giá thị trường đã bằng với tỷ giá tham chiếu hàng ngày do PBOC đặt ra, một dấu hiệu cho thấy tâm lý bi quan về đồng tiền này đã giảm bớt. Tuy nhiên, các nhà giao dịch sẽ tiếp tục theo dõi tỷ giá tham chiếu của PBOC để xác định mức độ thoải mái của các nhà hoạch định chính sách với tốc độ tăng giá.
Tại cuộc họp báo ngày 24/9, Thống đốc PBOC Phan Công Thắng cho biết Trung Quốc sẽ ngăn chặn kỳ vọng tỷ giá hối đoái tăng một chiều và tránh rủi ro tỷ giá hối đoái gia tăng. Ông cũng cho biết tỷ giá hối đoái nhân dân tệ có nền tảng vững chắc để duy trì sự ổn định cơ bản.
Chiến lược gia Ken Cheung của Ngân hàng Mizuho cho biết đồng nhân dân tệ sẽ khó có thể duy trì đà tăng trên mức 7 nhân dân tệ đổi một đô la nếu dữ liệu kinh tế và thị trường bất động sản của Trung Quốc không cho thấy sự cải thiện rõ ràng.
“Theo những gì Thống đốc Phan nói, PBOC thận trọng về khả năng đồng nhân dân tệ tăng giá một chiều. Điều đó có nghĩa là các biện pháp kiểm soát xu hướng tăng giá của đồng nhân dân tệ sẽ sẵn sàng được triển khai nếu cần thiết”, ông Ken bình luận với Bloomberg.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/ty-gia-nhan-dan-te-nhay-vot-len-dinh-16-thang-nho-tin-kich-cau.htm