Sau 5 tháng buộc phải đóng cửa vì đại dịch, các chuỗi rạp chiếu phim lớn ở Mỹ đã mở cửa trở lại khoảng 68%, phần lớn là để chiếu bộ phim trị giá 200 triệu USD Tenet mà Warner Bros quảng bá là “dự kiến thành công rực rỡ toàn cầu về phạm vi và có quy mô đáng kinh ngạc”.
Thế nhưng, bộ phim do Christopher Nolan đạo diễn lại không mang về kết quả như mong đợi. Tenet chỉ thu được 9,4 triệu USD trong tuần đầu công chiếu ở Bắc Mỹ và 29,5 triệu USD sau nửa tháng ra rạp.
Các rạp chiếu ở New York và Los Angeles vẫn đóng cửa. Đây là hai thị trường lớn nhất Mỹ và tập trung nhiều người hâm mộ Nolan. Ở những khu vực mà “Tenet” chiếu, khán giả vẫn lo ngại về sự an toàn, ngay cả khi công suất rạp bị giới hạn ở mức 50% hoặc ít hơn.
Các nhà phân tích doanh thu phòng vé cho rằng “Tenet” là một bộ phim phức tạp, cân não với ít ngôi sao quyền lực. Trong khi đó, một lựa chọn nhẹ nhàng hơn có thể sẽ giúp mọi người dễ quay lại rạp nhiều hơn.
Dù lý do là gì, điểm mấu chốt rất rõ ràng. Mọi người sẽ không đi xem phim nhiều như Hollywood kỳ vọng và tình hình dự kiến không cải thiện trong thời gian tới. Các hãng phim lại đang trì hoãn các bộ phim lớn một lần nữa. “Wonder Woman 1984” đã rút lui vào tuần trước, khiến ít nhất 3 hãng phim phải họp bàn đầu tuần này về lịch phát hành phim. Điều này khiến các rạp không có nhiều phim mới để chiếu trong hai tháng tới. Một số nhà phân tích đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của ngành kinh doanh rạp phim.
“Chúng tôi không có cách nào dự đoán được sẽ mất bao lâu để người tiêu dùng thoải mái quay lại các rạp chiếu”, Rich Greenfield – nhà sáng lập công ty nghiên cứu truyền thông Lightshed Partners thừa nhận.
Trong những ngày gần đây, Warner Bros đã dời ngày chiếu “Wonder Woman 1984” từ 2/10 sang Giáng Sinh. MGM/Universal lùi công chiếu phiên bản làm lại của “Candyman” sang năm sau. “Black Widow” của Marvel và “Soul” của Pixar là hai bộ phim được cho là sẽ ra mắt vào tháng 11 mà tương lai hiện còn chưa chắc chắn.
“Tôi rất thất vọng vì 30% thị trường vẫn chưa được mở lại”, Jeff Goldstein – Giám đốc phân phối của Warner Bros cho biết, “Những thị trường mà chúng tôi đang bỏ lỡ là những thị trường trọng điểm mà phim của Chris Nolan đã thực sự đạt kết quả tốt trước đây”.
Các chủ rạp phim giờ đây phải đặt niềm tin vào hai yếu tố ngoài tầm kiểm soát của họ. Đó là các hãng phim tiếp tục phát hành phim mới cuối năm và New York, Los Angeles, San Francisco cho phép rạp chiếu mở cửa lại.
“Death on the Nile” của Twentieth Century, bộ phim có kinh phí lớn nhất vẫn dự kiến ra mắt vào tháng 10. Nếu “Black Widow” hoặc “No Time to Die” bị lùi ngày chiếu hoặc bị chuyển lên phát hành trên Internet tương tự như cách Disney làm với “Mulan”, các rạp sẽ rất khó trình bày về tương lai của mình với các nhà đầu tư và ngân hàng.
Ngoài ra, đại dịch càng kéo dài, việc phát trực tuyến càng trở thành mối đe dọa đối với các rạp chiếu. Ít nhất 10 bộ phim ban đầu dành cho màn ảnh rộng đã được chuyển hướng sang các dịch vụ phát trực tuyến hoặc nền tảng cho thuê trực tuyến.
Động thái này giúp tiền vẫn chảy vào các hãng phim, nhưng các nhà phân tích nói rằng nó đã ảnh hưởng đến các rạp chiếu, khi mà khán giả dần hình thành thói quen đón chờ bộ phim mới phát hành ngay tại nhà của họ.
“Chúng tôi biết rằng các thị trường đang được mở cửa, các rạp chiếu phim có các giao thức an toàn và các studio phát hành phim đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”, John Fithian – Giám đốc điều hành Hiệp hội các chủ rạp hát quốc gia, cho biết, “Thị trường cần rạp chiếu phim an toàn, điện ảnh cần thị trường mở cửa, rạp chiếu phim cần phim. Tất cả những điều này sẽ nâng cao nhận thức của khán giả và sự thoải mái khi quay lại xem phim. Bạn không thể làm chỉ một việc”.
Phố Wall đã có phản ứng đối với việc khởi chiếu “Tenet” và hoãn chiếu “Wonder Woman”. Cổ phiếu AMC tăng từ 2 USD hồi tháng 4 lên 7 USD ngày 4/9 – ngày “Tenet” ra rạp ở Mỹ. Sau đó, mã này đã giảm khoảng 17%. Cổ phiếu Cinemark giảm 18% kể từ ngày 4/9. Cổ phiếu Cineworld, công ty mẹ của Regal Cinemas, giảm 14%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 theo dõi chung cả thị trường Mỹ không đổi trong giai đoạn này.
Cinemark này đang vận hành khoảng 5.977 phòng chiếu tại Mỹ và Mỹ Latin. “Quý IV là lúc chúng tôi tự lo lấy thân mình. Năm sau là thời điểm chuyển tiếp và 2022 sẽ trở lại trạng thái bình thường”, CEO Mark Zoradi nhận định.
Ông nói thêm rằng các cuộc khảo sát khách hàng gần đây cho thấy 97% hài lòng với các giao thức phòng dịch tại rạp. “Chúng tôi đã chi hàng triệu USD để triển khai”, ông nói, “Nếu chúng tôi thuyết phục người tiêu dùng rằng mình đã làm tất cả những điều này, họ có khả năng quay lại lớn hơn”.
Với thị trường trọng điểm là Los Angeles và San Francisco, nhà làm phim và giới kinh doanh rạp đang dõi theo các thông báo về kế hoạch mở lại các hoạt động của thống đốc bang California Gavin Newsom. Trong khi đó, thống đốc New York Andrew Cuomo chưa đưa ra thời gian cụ thể cho việc mở lại rạp phim.