Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/2, thị trường khởi sắc trên diện rộng và VN-Index vượt mốc 1.250 điểm, lên 1.254,55 điểm.
Lực kéo thị trường hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, với đầu tàu là VCB của Ngân hàng Vietcombank. Ngay từ đầu phiên chiều, VCB đã tăng mạnh và chốt cuối phiên tại giá trần 97.400 đồng/cổ phiếu.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 cổ phiếu của Vietcombank tăng trần. Thống kê trong suốt chiều dài lịch sử, đây mới là phiên tăng trần thứ 7 của Vietcombank trong số 3.661 phiên giao dịch.
Với giá đóng cửa hôm nay, Vietcombank cũng lập đỉnh vốn hóa mới, đạt 540,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả vốn hóa của 2 ngân hàng vốn Nhà nước khác là BIDV và VietinBank cộng lại. Kết thúc phiên 28/2, vốn hóa BIDV là 306 nghìn tỷ đồng còn VietinBank là 194 nghìn tỷ đồng.
Giá cổ phiếu Vietcombank tăng vọt ngay sau khi Hội đồng quản trị ngân hàng phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 theo nguyên tắc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ sau kiểm toán của Vietcombank năm 2022 là 29.387 tỷ đồng. Cộng thêm khoản điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước hơn 3 tỷ đồng, thì tổng lợi nhuận phân phối của năm 2022 của Vietcombank năm 2022 ở mức 29.390 tỷ đồng.
Vietcombank trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% (1.469,5 tỷ đồng), quỹ dự phòng tài chính 10% (2.939 tỷ đồng) và quỹ khen thưởng, phúc lợi (3.291,5 tỷ đồng và trừ khoản điều chỉnh giảm khác là 9,8 tỷ đồng.
Sau khi trích lập, lợi nhuận còn lại của năm 2022 là 21.680 tỷ đồng. Vietcombank dự kiến dùng toàn bộ khoản lợi nhuận này để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần được trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến.
Năm 2023, Vietcombank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022.
Kết quả này khẳng định vị trí “ông vua lợi nhuận” của Vietcombank và tiếp tục bỏ xa BIDV (27.650 tỷ đồng), MB (26.306 tỷ đồng), Agribank (25.400 tỷ đồng), VietinBank (25.100 tỷ đồng), đồng thời xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,839 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là trên 1,270 triệu tỷ đồng, tăng 10,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,2% lên gần 1,396 triệu tỷ đồng.
Sau khi lên sàn chứng khoán tháng 6/2009, Vietcombank mất tới 1.408 phiên để chạm mốc 100.000 tỷ đồng, đạt được vào ngày 7/5/2015.
Để lên 200.000 tỷ đồng, Vietcombank cần thêm 724 phiên giao dịch, đạt được vào ngày 9/1/2018.
Cột mốc tiếp theo là 300.000 tỷ đồng, Vietcombank đạt được vào ngày 29/7/2019, chỉ cần thêm 382 phiên giao dịch.
Giai đoạn sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu vì đại dịch Covid-19, vì vậy, Vietcombank trải qua tới 474 phiên giao dịch để chạm mốc 400.000 tỷ đồng, vào ngày 18/6/2021.
Sau 521 phiên giao dịch tiếp theo, Vietcombank chạm mốc vốn hóa lịch sử 500.000 tỷ đồng vào ngày 19/7/2023.
Link nguồn: https://cafef.vn/ngan-hang-lon-nhat-viet-nam-vua-chung-kien-canh-4-nam-moi-co-1-lan-188240228160237551.chn