Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Thông báo này bao gồm sự xuất hiện của một cổ đông mới – Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund. Theo đó, quỹ đầu tư này hiện nắm giữ hơn 91 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 1,14% vốn điều lệ của ngân hàng.
Theo Bloomberg, quỹ này là quỹ mở được thành lập tại Trung Quốc, chuyên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và cụ thể là theo dõi chỉ số VN30.
Trong khi đó, cổ đông Composite Capital Master Fund LP (Quần đảo Cayman, Anh) đã giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu tại VPBank từ 2,7% xuống còn 1,7% vốn chủ sở hữu, tương đương hơn 135 triệu cổ phiếu VPB.
Trước đó, vào cuối tháng 7, VPBank đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Tính đến ngày 19/7/2024, VPBank có 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm hơn 64% vốn điều lệ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị – Ông Ngô Chí Dũng hiện sở hữu 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,14% vốn. Những người có liên quan đến ông Dũng cũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, chiếm 29,5% vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu của toàn bộ nhóm có liên quan đến Chủ tịch lên 33,64% vốn.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh hiện sở hữu hơn 104,9 triệu cổ phiếu, tương đương 1,3% vốn. Những người có liên quan đến ông Vinh nắm giữ 1,56% vốn, nâng tổng tỷ lệ sở hữu của ông Vinh và những người có liên quan lên 2,88% vốn.
Các cổ đông liên quan đến Phó Chủ tịch HĐQT Lô Bằng Giang gồm có bà Lý Thị Thu Hà – mẹ ông Giang – hiện nắm giữ gần 3,6% vốn tương đương 282,1 triệu cổ phiếu và bà Nguyễn Thu Thủy – vợ ông Giang – nắm giữ gần 2,6% vốn tương đương 203,34 triệu cổ phiếu.
Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, sở hữu 156,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,97% vốn điều lệ. Bà Kim Ngọc Cẩm Ly – vợ ông Quân – sở hữu 286,6 triệu cổ phiếu, tương đương 3,61% vốn. Tổng cộng, nhóm người có liên quan đến ông Quân sở hữu 5,59% vốn tại Ngân hàng.
Ngoài ra, danh sách cổ đông cá nhân của VPBank còn có các cá nhân khác gồm: Ông Trần Ngọc Trung nắm giữ 305,1 triệu cổ phiếu, chiếm 3,85%), bà Trần Ngọc Lan nắm giữ 309,8 triệu cổ phiếu, chiếm 3,9%, ông Lê Việt Anh nắm giữ 280 triệu cổ phiếu, chiếm 3,53%, bà Lê Minh Anh nắm giữ 214,7 triệu cổ phiếu, chiếm 2,71% và ông Nguyễn Mạnh Cường nắm giữ 114,8 triệu cổ phiếu, chiếm 1,45%.
Bốn cổ đông tổ chức tại VPBank bao gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – cổ đông chiến lược của VPBank – sở hữu gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, DIERA JSC sở hữu 348,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,39% vốn. Hai quỹ đầu tư còn lại là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý II/2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3.633 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.665 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.775 tỷ đồng, tăng 65% so với 6 tháng đầu năm 2023.
VPB là cổ phiếu ngân hàng được Mirae Asset khuyến nghị có tiềm năng tăng giá cao nhất lên tới 26%. Trong nửa đầu năm 2024, VPB ghi nhận tăng trưởng tín dụng gần 7% so với năm 2023, đạt 647,7 nghìn tỷ đồng. Mặc dù chất lượng tài sản nội bảng có giảm theo quý nhưng nhìn chung đã có sự cải thiện phần nào. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5,08%, tăng 24 điểm cơ bản so với quý 1 nhưng giảm 144 điểm cơ bản so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đóng quý ở mức 48,1%, giảm 5,4% so với quý 1 nhưng cải thiện 5,1% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ NPL giảm 23 điểm cơ bản so với quý 1 và giảm 181 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống còn 12,9%. Điểm tích cực ghi nhận trong quý 2 của VPB bao gồm tỷ lệ trái phiếu dưới chuẩn giảm mạnh xuống còn 17,8% từ mức 27,4% trong quý 1/2024 (giảm 53,8% về giá trị).
Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận có chậm lại đôi chút trong Q2/2024, nhưng mức tăng trưởng của VPB vẫn cao hơn hầu hết các ngân hàng tương đương trong nửa đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% trong khi lợi nhuận trước thuế tăng gần 68%, đạt hơn 8.600 tỷ đồng. Đây là kết quả từ hiệu quả hoạt động được cải thiện của toàn bộ hệ sinh thái, đặc biệt là từ việc giảm lỗ ghi nhận tại các công ty con (lỗ giảm từ 3.725,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 707,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024).
Link nguồn: https://vneconomy.vn/mot-quy-dau-tu-trung-quoc-vua-mua-vao-91-trieu-co-phieu-vpb-tuong-duong-1-14-von-dieu-le.htm