Trên đây là nhận định của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels và người sáng lập chuỗi hội nghị MTE tại Hội nghị Meet The Experts (MTE), chuyên đề thường niên về lĩnh vực bất động sản và nghỉ dưỡng lớn nhất trong khu vực diễn ra mới đây.
“Trong thời gian qua, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm đến yêu thích của du khách châu Á, đặc biệt là từ thị trường Hàn Quốc. Sản phẩm du lịch và lưu trú tại Việt Nam ngày càng đa dạng, với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu khách sạn mới, thuộc nhiều phân khúc khác nhau có thể đáp ứng nhu cầu của các tệp khách trên thị trường.
Trong số đó, phân khúc nghỉ dưỡng hạng sang ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh tích cực nhất. Thị trường ngôi nhà thứ hai vốn bị ảnh hưởng bởi các biến động trong thời gian qua thì lại cho thấy các tín hiệu phục hồi với một vài dự án ghi nhận mức độ quan tâm cùng tỷ lệ hấp thụ khả quan. Đối với phân khúc Bất động sản nhà ở, chúng tôi cũng nhận thấy một số chủ đầu tư chú trọng thiết kế không gian sống tương tự như tại các dự án nghỉ dưỡng và tích hợp nhiều tiện ích, đặc biệt là các tiện ích chăm sóc sức khỏe, nhằm đem đến các trải nghiệm độc đáo cho cư dân cũng như góp phần gia tăng giá trị bất động sản,” ông Mauro cho hay.
Trong thời gian gần đây, nhu cầu thuê lại các khách sạn để khai thác kinh doanh lưu trú từ các công ty lữ hành đang gia tăng. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự phục hồi của nhóm khách quốc tế, chủ yếu đến từ các thị trường châu Á và một số nước châu Âu. Điều này tạo động lực để các các công ty lữ hành, đại lý du lịch hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh, bao gồm cung cấp dịch vụ lưu trú nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, cải thiện biên lợi nhuận hoạt động. Nhóm nhà đầu tư này thường tập trung vào các dự án có quy mô từ 100 đến 150 phòng, nằm ở các điểm đến du lịch quen thuộc, với đa dạng các tiện ích, hạ tầng du lịch.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 25 triệu lượt khách quốc tế. Đến hết tháng chín năm 2024, cả nước đã đón gần 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tiến dần đến mục tiêu 18 triệu lượt của năm nay.
Ông Mauro nhận định “Để có thể đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp trong ngành, bao gồm từ các doanh nghiệp khai thác cảng hàng không, các hãng hàng không đến các khách sạn, công ty lữ hành, đại lý du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ khác. Việt Nam cần chú trọng hơn nữa công tác quảng bá, truyền thông các điểm đến du lịch mới, nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch tại nhiều địa phương và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giảm thiểu tình trạng quá tải và nguy cơ khai thác du lịch quá mức tại một số điểm đến chính, góp phầp phát triển du lịch bền vững hơn”.
Nguồn: https://cafef.vn/mot-loai-hinh-bat-dong-san-lien-tuc-ngu-dong-dang-khoi-phuc-manh-me-chuan-bi-cho-chu-ky-moi-188241027074617787.chn