Theo Nikkei Asia, ba ngân hàng lớn của Nhật Bản đang xây dựng một khuôn khổ cho thanh toán quốc tế tức thời bằng công nghệ blockchain trên cơ sở hạ tầng thanh toán hiện có, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng vào năm tới.
Theo đó, Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group sẽ bắt đầu thử nghiệm sớm nhất vào mùa thu năm nay, cùng với hơn 10 ngân hàng khác tại Nhật Bản và nước ngoài.
Các ngân hàng này ban đầu sẽ thiết lập các giao dịch chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp, chẳng hạn như thanh toán thương mại, và sẽ cung cấp cho khách hàng cá nhân trong tương lai.
Hiện tại, các khoản thanh toán quốc tế thông qua hệ thống SWIFT phải thông qua nhiều ngân hàng đại lý. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, quá trình này có thể mất chưa đến một giờ hoặc lên đến một tháng nếu, ví dụ, giao dịch thiếu thông tin chống rửa tiền cần thiết.
Hệ thống mới sẽ sử dụng stablecoin (một loại tiền điện tử – PV) trên blockchain được liên kết với giá trị của các loại tiền tệ khác nhau, sẽ được gửi trực tiếp giữa các ngân hàng thông qua cơ sở hạ tầng SWIFT hiện có, cho phép giao dịch được hoàn thành trong vòng chưa đầy một giây.
Bằng cách sử dụng SWIFT, các ngân hàng sẽ không cần phải đầu tư vào các hệ thống thanh toán hoàn toàn mới. Các công ty sẽ có thể yêu cầu các ngân hàng xử lý các giao dịch thông qua các quy trình thông thường của họ.
Chi phí cho khách hàng sẽ được giới hạn ở phí ngoại hối và phí blockchain. Theo Ngân hàng Nhật Bản, chi phí trung bình cho một giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới trị giá 200 đô la giữa các ngân hàng là 17,5% từ năm 2013 đến năm 2019. Ở các thị trường mới nổi, nơi các loại phí như vậy có xu hướng cao, chi phí giao dịch có thể giảm xuống dưới 10% mức hiện tại.
Progmat, một nền tảng blockchain được hỗ trợ bởi ba ngân hàng lớn của Nhật Bản, sẽ hợp tác với nhà phát triển blockchain có trụ sở tại Tokyo là Datachain và SWIFT để tạo ra một cơ chế thanh toán sau đó sẽ phát hành các loại tiền ổn định có thể được sử dụng cho các giao dịch liên ngân hàng.
SWIFT đã chọn làm việc với nhóm Nhật Bản vì quốc gia này có khuôn khổ pháp lý tương đối tiên tiến về thanh toán điện tử.
Theo hướng này, một nhóm các ngân hàng bao gồm JPMorgan, Standard Chartered và DBS Group Holdings đã giới thiệu một mạng lưới thanh toán quốc tế dựa trên blockchain cho các công ty đa quốc gia để thực hiện giao dịch bằng đô la Mỹ, euro và đô la Singapore. Một nhóm gồm bảy ngân hàng trung ương cùng với các bên cho vay tư nhân đang chuẩn bị thử nghiệm sổ cái kỹ thuật số cho các khoản thanh toán xuyên biên giới.
Khi cuộc cạnh tranh để tạo ra các hệ thống thanh toán quốc tế nhanh hơn, rẻ hơn ngày càng gay gắt, hệ thống dễ sử dụng nhất đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể trở thành tiêu chuẩn công nghiệp thực tế. Khoản đầu tư của các ngân hàng Nhật Bản có thể mang lại cho họ lợi thế.
Link nguồn: https://cafef.vn/cuong-quoc-chau-a-ung-dung-blockchain-trong-thanh-toan-quoc-te-mo-ra-tuong-lai-chuyen-tien-xuyen-bien-gioi-chi-trong-mot-giay-18824090910332064.chn