SCMP đưa tin một bà nội trợ ở Hong Kong (Trung Quốc) đãbị lừa mất 7,12 triệu HKD (22,4 tỷ đồng) sau khi sử dụng nền tảng giao dịch giả mạo để đầu tư vào tiền điện tử.
Người phụ nữ 46 tuổi nhận ra mình đã bị lừa đảo và đã báo cảnh sát hơn một năm sau khi cô bị dụ chuyển tiền vào 15 tài khoản ngân hàng được chỉ định để “đầu tư”.
Đáng chú ý, theo SCMP, một nguồn tin thân cận cho biết nạn nhân không nhận được bất kỳ khoản lợi nhuận nào trong thời gian đầu tư đó.
“Cô ấy chỉ nghi ngờ khi không thể liên lạc với hai kẻ lừa đảo trực tuyến và không thể rút tiền từ sàn giao dịch. Cô ấy nhận ra đó là một vụ lừa đảo khi báo cáo sự việc với gia đình”, cảnh sát cho biết.
Ông cho biết một trong những kẻ lừa đảo đã tiếp cận người phụ nữ này qua Instagram vào tháng 7 năm 2022 trước khi lừa cô đầu tư vào tiền điện tử thông qua liên kết đến một nền tảng giao dịch giả mạo.
Trong khi đó, một nghi phạm khác đã mạo danh nhân viên dịch vụ khách hàng của sàn giao dịch và hướng dẫn nạn nhân chuyển hơn 7,12 triệu đô la Hồng Kông vào 15 tài khoản ngân hàng được chỉ định từ ngày 19 tháng 8 năm 2022 đến ngày 4 tháng 3 năm 2023.
Sử dụng công cụ xác minh lừa đảo Scameter của lực lượng cảnh sát, họ phát hiện ra tên của nền tảng giao dịch mà những kẻ lừa đảo sử dụng có liên quan đến một báo cáo lừa đảo tương tự.
Scameter là một nền tảng giúp công chúng kiểm tra các hoạt động đáng ngờ hoặc gian lận. Công cụ tìm kiếm có thể theo dõi các địa chỉ web, email, tên người dùng nền tảng, tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động và địa chỉ IP đáng ngờ.
Cảnh sát kêu gọi mọi người xác minh danh tính của đối tác trước khi thực hiện giao dịch hoặc chuyển tiền và luôn cảnh giác khi điền thông tin cá nhân.
Trong khi đó, nạn nhân khẳng định rằng cô không biết cách sử dụng trang web Scameter và chưa bao giờ nhận được bất kỳ cảnh báo nào về lừa đảo trên mạng xã hội.
Hiện tại, các thám tử của đơn vị điều tra đang xác nhận đây là vụ án về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, loại tội có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện. Số liệu của cảnh sát cho thấy tình trạng gian lận đầu tư trực tuyến tăng đáng kể, với 5.105 báo cáo vào năm ngoái so với 1.884 trường hợp được ghi nhận vào năm 2022.
Link nguồn: https://cafef.vn/ba-noi-tro-u50-dau-tu-22-ty-nhung-ca-nam-khong-co-dong-lai-nao-cung-khong-rut-duoc-von-ve-canh-sat-vao-cuoc-dieu-tra-su-bat-thuong-188240710113015233.chn