Xem người Thái làm du lịch
Tạm bỏ qua những ảnh hưởng cực kỳ bất lợi mà Đại dịch Covid-19 đang gây ra đối với ngành du lịch, xin lấy những số liệu của năm 2019 – trước thời điểm bùng phát dịch làm dẫn chứng.
Theo đó, 2019 là năm được nhiều người ví là năm mà ngành du lịch Việt Nam đạt “kỳ tích vàng” tăng trưởng, có những bước phát triển “đột phá”. Con số được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa ra là: Toàn ngành đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khác nội địa với tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn sang nước bạn Thái Lan, năm 2019 cũng là năm mà bạn “đạt kỷ lục mới về thu hút khách du lịch” nhưng với… 39 triệu lượt khách quốc tế, so với mức 38 triệu của năm 2018. Nghĩa là bạn hơn ta tới hơn… 10 triệu lượt khách. Dĩ nhiên, doanh thu từ du lịch mang lại cũng là con số khổng lồ (khoảng hơn 1.700 tỷ bạt).
Chắc chắn có nhiều điều mà những nhà quản lý, những người làm du lịch Việt Nam còn phải học người Thái. Riêng ở khía cạnh làm du lịch “nương tựa” vào thiên nhiên, những khu nghỉ dưỡng, khách sạn trong rừng, những phòng Deluxe 5 sao ẩn mình dưới tán rừng, “đu đưa” trên thân cây… là một ví dụ.
Có thể kể đến Six Senses Yao Noi – Khách sạn 5 sao nằm trên đảo thuộc vịnh Phang Nga, giữa hai thành phố Phuket và Krabi – nơi bạn chỉ có thể tới bằng thuyền. Tất cả 56 biệt thự của khách sạn đều được xây trong rừng. Mỗi biệt thự đều có bể bơi riêng với tầm nhìn phóng khoáng hướng ra biển xanh ngắt và những rặng núi điệp trùng. Bạn sẽ gần như chẳng thể thốt nên lời khi ngắm một khung cảnh đẹp đến dường này.
Hay Four Seasons Tented Camp Golden Triangle ở Chiang Saen (Chiang Rai) – khu khách sạn sang trọng, hòa lẫn với không gian thiên nhiên với những ngôi nhà bằng cây, những túp lều cách điệu hòa vào khung cảnh của thiên nhiên tạo nên một bức tranh đẹp đến nao lòng du khách.
Dù nằm trong khu vực khá hoang sơ nhưng tại đây du khách vẫn được đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị và dịch vụ hiện đại, tiện nghi. Các phòng nghỉ đều được chăm chút tỉ mỉ, dịch vụ internet không dây giúp du khách tiện lợi trong việc cập nhật tin tức. Không những thế, khách sạn còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như xe đưa đón, spa, nhà hàng…
Kiến tạo thay vì “đập đi xây mới”
Hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) – hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam được tạo nên do việc xây đập, chặn dòng làm thủy điện. Cảnh sắc “non nước hữu tình” giữa một vùng núi non được ví là “Vịnh Hạ Long” của vùng Tây Bắc. Thế mạnh đặc biệt của vùng đây, con người nơi đây đang được đánh thức mạnh mẽ, nhất là với Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia đến năm 2035 của Thủ tướng.
Nơi đây được xác định là Khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng; là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng; là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình.
Không gian phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình được hình thành trên cơ sở các không gian cảnh quan đồi núi, hệ sinh thái tự nhiên, các giá trị văn hóa, tâm linh gắn liền với vùng lòng Hồ Hòa Bình; hệ thống giao thông du lịch (giao thông đường bộ và đường thủy) là cơ sở kết nối các khu vực trọng tâm; phát triển du lịch dịch vụ, hình thành các trung tâm du lịch, hậu cần tập trung và tạo không gian liên kết với không gian vùng đệm du lịch bao gồm các không gian đặc trưng.
Hồ Hòa Bình đã và đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Đơn cử như ngày 27/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có Thông báo số 5931/TB-VPUBND chấp thuận cho phép Tập đoàn Tân Hoàng Minh nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng khu resort cao cấp tại khu vực hồ Hòa Bình, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Dự án đề xuất xây dựng trên diện tích đất 355,97 ha với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.629 tỷ đồng.
Đáng chú ý phong cách kiến trúc được Tân Hoàng Minh triển xuất phát từ “nghệ thuật kết hợp với thiên nhiên”, “nghệ thuật tương tác với cảnh quan” của Thụy Sỹ, THM – Villa – Resort on the Mountain hướng tới việc tận dụng thế mạnh địa hình và cảnh quan thiên nhiên nơi xứ núi, vận dụng kiến trúc bản địa, xây dựng theo phong cách một ngôi làng châu Âu với những villas tách biệt giúp du khách tận hưởng không gian yên bình với cảnh non nước thơ mộng.
Quý II/2021, Hòa Bình cũng đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh, tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Đồ án do Công ty Cổ phần Mora Group thực hiện có diện tích quy hoạch gần 13ha, với mục tiêu đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng kinh doanh lưu trú cao cấp đồng bộ, văn minh hiện đại, ồn định và phát triển lâu dài phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Một điểm sáng, đáng chú ý Shoshin Bình Thanh Hoà Bình là phương án xây dựng, kiến trúc cảnh quan được nhà đầu tư lựa chọn trên cơ sở “tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, bố trí các khu chức năng phù hợp, hạn chế đào đắp, san nền; tạo cảnh quan cây xanh, hoa viên xen kẽ, kết nối các khu chức năng”. “tổ chức giao thông và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với địa hình hiện trạng, tạo điểm nhất không gian xanh độc đáo riêng cho dự án”.
Về hình thức kiến trúc, các công trình thương mại dịch vụ, thiết kế kiến trúc hiện đại, đường nét đơn giản. Các công trình lưu trú thiết kế hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan xung quanh, mang bản sắc của khu nghỉ dưỡng. Toàn bộ các căn hộ lưu trú được xây dựng theo kỹ thuật chống cột. Chiều cao xây dựng các công trình đối với khu thương mại dịch vụ tối đa cao 5 tầng, khu biệt thự lưu trú cao tối đa 5 tầng.
Có một thực tế là, tự nhiên rất dễ bị tổn thương trước mọi tác động của con người. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái, về bản chất là dựa vào vẻ đẹp tự nhiên và môi trường văn hóa của cư dân bản địa, để xây dựng nên các sản phẩm du lịch và chào bán cho du khách. Điều này dẫn đến một nghịch lý là, du lịch sinh thái hay sinh thái cộng đồng càng phát triển nhanh chóng thì càng đe dọa tính bền vững của cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa.
Do đó, hiểu đơn giản, những người được hưởng lợi từ du lịch, thì phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa. Cộng đồng trách nhiệm ấy bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, cư dân bản địa và khách du lịch.