Theo AFP, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhưng cơ sở hạ tầng của nước này vẫn kém hơn so với nước láng giềng Trung Quốc.
Trên thực tế, Ấn Độ có một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới với 1,3 triệu công nhân trong ngành, nhưng hệ thống này đã lỗi thời và cần đầu tư lớn để nâng cấp đường ray, đầu máy xe lửa và toa xe.
Đó là lý do tại sao Ấn Độ đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ nhiều năm trước. Cụ thể, Ấn Độ đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối thủ đô Mumbai và thành phố Ahmedabad với số vốn đầu tư lên tới 19,2 tỷ USD.
Tuyến đường sắt cao tốc dài 506km sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ gần tám giờ đi tàu hỏa, hoặc 10 giờ đi ô tô, xuống còn khoảng ba giờ. Dự án tàu cao tốc Mumbai-Ahmedabad sẽ kết nối trung tâm tài chính của Ấn Độ với thành phố lớn nhất ở tiểu bang Gujarat và dự kiến sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế to lớn.
Đáng chú ý, vào thời điểm Ấn Độ đang lên kế hoạch cho dự án đường sắt cao tốc đầu tiên, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều muốn tham gia. Theo Hindustantimes, Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm trong việc hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt này từ năm 2015 và chính thức tham gia đấu thầu vào năm 2017 nhưng đã bị từ chối. Thay vào đó, Nhật Bản đã thắng thầu. Năm 2017, Ấn Độ đã khởi công xây dựng dự án đường sắt cao tốc này.
Theo đó, hệ thống đường sắt cao tốc sử dụng công nghệ Shinkansen của Nhật Bản và Nhật Bản sẽ cung cấp 85% chi phí xây dựng dưới hình thức vốn vay ưu đãi. Theo kế hoạch, với tốc độ trung bình 250km/h.
Hiện nay, Ấn Độ cũng đang nghiên cứu nhiều tuyến đường sắt cao tốc mới, Trung Quốc cũng liên tục bày tỏ thiện chí hợp tác. Cụ thể, Ấn Độ đang nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài gần 2.200 km từ Chennai đến Delhi, và một tập đoàn Ấn Độ-Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu khả thi cho hành lang New Delhi-Mumbai dài 1.200 km.
Về công nghệ HSR (Shinkansen) của Nhật Bản, đây là công nghệ đường sắt cao tốc nổi tiếng toàn thế giới. Tàu Shikansen có hình dạng mũi dài, được thiết kế để giảm sức cản của không khí, và còn có những vấn đề khác như giảm áp suất khí quyển trong các đoạn đường hầm, các biện pháp khắc phục độ rung của đoạn đuôi và môi trường điều khiển của người lái phải đảm bảo tầm nhìn toàn diện.
Về đường ray, công nghệ HSR sử dụng ray đặc biệt có khoảng cách giữa các ray khác biệt so với ray thông thường, giúp giảm ma sát và tăng tốc độ. Cùng với đó, hệ thống tàu sử dụng hệ thống định vị vệ tinh và cảm biến để theo dõi và điều chỉnh tốc độ, giúp đảm bảo an toàn và chính xác.
Hệ thống điều khiển tàu tự động được sử dụng để tránh tai nạn bằng cách duy trì khoảng cách an toàn giữa các đoàn tàu và ngăn chúng vượt quá tốc độ giới hạn bằng cách áp dụng phanh tự động. Tất cả các đoàn tàu đều được giám sát và điều khiển bởi hệ thống kiểm soát giao thông máy tính.
Hệ thống tàu cao tốc của Nhật Bản là sự kết hợp giữa hệ thống phần cứng và phần mềm, bao gồm đường ray xe lửa tốc độ cao được thiết kế đặc biệt, hệ thống điều khiển tàu tự động (ATC) và quản lý lịch trình tàu tự động để đảm bảo tàu chạy đúng giờ.
Sự kết hợp cẩn thận giữa phần cứng và phần mềm cho phép thiết bị này – kết hợp với các kỹ năng kỹ thuật tinh vi của người vận hành – kiểm soát tàu đến từng giây và đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy trong quá trình vận hành. Do đó, hệ thống cho phép tàu chạy trong khoảng thời gian rất ngắn, không có bất kỳ sự chậm trễ nào theo lịch trình, với thời gian chạy tàu trung bình dưới một phút.
Link nguồn: https://cafef.vn/du-2-lan-tu-choi-cong-nghe-trung-quoc-chot-nhat-xay-duong-sat-cao-toc-dau-tien-19-ty-usd-mot-nuoc-van-duoc-trung-quoc-ngo-y-quyet-co-bang-duoc-cac-tuyen-tiep-theo-18824082916580126.chn