Phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/8, VN-Index tăng hơn 15 điểm (+1,32%), lên 1.223,6 điểm, tuy nhiên so với cuối tuần trước, chỉ số này vẫn giảm hơn 1%. Tương tự, HNX-Index giảm 0,9%, xuống 229,4 điểm và Upcom-Index giảm 1%, xuống 92,8 điểm.
Thanh khoản tăng trong tuần này nhưng vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch chỉ hơn 17.000 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng gần 4.000 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Phân tích – Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định, trong thời gian tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần, có thể đẩy chỉ số USD (DXY) xuống dưới 100 điểm. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong việc bơm thanh khoản vào thị trường, với mức tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 14%.
“Kịch bản tích cực cho VN-Index đóng cửa trên 1.400 điểm vào năm 2024, tương ứng với tỷ lệ P/E là 14,8 là khả thi”, ông Barry cho biết.
Trong bối cảnh này, nhiều ngành sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt trong thời gian còn lại của năm 2024, đặc biệt là ngân hàng và thép. Đối với ngân hàng, các chuyên gia VNDIRECT cho rằng mặc dù chất lượng tài sản có giảm nhưng sẽ phục hồi khi nền kinh tế cải thiện. Các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức P/B (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) hấp dẫn là 1,7 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm.
Trong Báo cáo Chiến lược tháng 8/2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, hoạt động giao dịch trong các phiên đầu tháng 8 phản ánh tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Rủi ro giảm giá vẫn hiện hữu khi áp lực giảm chung của các thị trường chứng khoán lớn có thể tác động tiêu cực đến VN-Index.
“Trong kịch bản kém lạc quan hơn, thị trường sẽ tìm thấy lực cầu tại vùng định giá hấp dẫn của VN-Index – vùng định giá P/E trung bình của 10 năm trở lại đây vào khoảng 1.050 – 1.150 điểm. Kỳ vọng về vùng hỗ trợ này dựa trên đánh giá về sự cải thiện của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 7 tháng qua và xu hướng lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi trong nửa đầu năm nay” – chuyên gia Mirae Asset nhận định.
Trong khi đó, theo các chuyên gia đến từ Trung tâm phân tích – Công ty chứng khoán ACBS, việc VN-Index duy trì vùng hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm được xem là thách thức đối với thị trường trong việc duy trì kênh tăng giá trung và dài hạn. Nếu không tính đến khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ, kịch bản phù hợp từ nay đến cuối năm đối với VN-Index là tiếp tục dao động trong phạm vi 1.150 – 1.300 điểm với tình hình kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, tăng trưởng tích cực và định giá chung trở nên tương đối hấp dẫn.
Báo cáo chiến lược tháng 8/2024 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, biên độ định giá P/E hợp lý trong quý 3 có thể kỳ vọng ở mức 14 – 15 lần, tương ứng với biên độ điểm cân bằng giao dịch của VN-Index là 1.237 – 1.325. Từ nay đến cuối năm, dựa trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 14 – 18% của các doanh nghiệp niêm yết, biên độ hợp lý của thị trường dự báo ở mức 1.236 – 1.420 điểm.
“Cơ hội đầu tư được lựa chọn trong nửa cuối năm là các doanh nghiệp duy trì xu hướng phục hồi và tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, dệt may cũng là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu giá cổ phiếu giảm mạnh trong các phiên điều chỉnh của thị trường khi xu hướng lợi nhuận của ngành này là tích cực” – chuyên gia Rồng Việt phân tích.
Link nguồn: https://cafef.vn/vn-index-se-thung-1100-hay-len-1400-diem-188240810160123455.chn