Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và cả ở Việt Nam. Cá nhân tôi có khoản tiền 1 tỷ đồng đang gửi tiết kiệm ngân hàng.
Với lãi suất tiền gửi ngày càng giảm, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm chỉ khoảng 6,5-7%/năm, với số tiền 1 tỷ đồng gửi ngân hàng thì mỗi năm tôi gửi tiết kiệm sẽ chỉ được 65-70 triệu đồng.
Nếu so gửi tiết kiệm với đầu tư vàng, có thể nói đầu tư vàng hiệu quả hơn vì vàng giữ vững giá trị cao hơn và ổn định hơn so với tiền mặt. Tuy nhiên, cũng phải theo dõi và có kinh nghiệm mới có thể đầu tư vào kênh này.
Trong khi đó, bất động sản thì luôn tăng giá, đất chật người đông nên giá sẽ còn lên nữa nên tôi tính “đổ” tiền vào đầu tư bất động sản là hơn cả. Liệu nhận định của tôi có đúng vào thời điểm này?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay: Trong các năm từ 2016- 2019, tức 5 năm vừa qua bất động sản tăng giá rất mạnh và tăng liên tục. Chính sự tăng giá đó khiến người dân càng ngày càng tin vào bất động sản.
Ông Hiển cho rằng, nếu nhìn dài hơn sẽ thấy, sau mỗi đợt tăng giá như vậy, bất động sản cũng sẽ có giai đoạn đi ngang khá lâu, thậm chí có lúc đi xuống.
Năm 2019 là dấu hỏi rất lớn về bất động sản và giá cả. Nếu mua căn hộ, nhà phố hay shophouse thì chỉ lời 2-3% so với mức đầu tư, thấp hơn mức gửi tiền ngân hàng.
Hiện nay, nếu hỏi mua bất động sản ở vùng ven Hà Nội, Sài Gòn thì giá cũng rất cao, chứ không như 5 năm trước.
“Trong 5 năm qua bất động sản tăng liên tục, gần đây giá vàng tăng rất mạnh càng khiến người dân có cảm giác đồng tiền gửi ngân hàng không còn lãi suất tốt. Nếu quan sát, bỏ qua giai đoạn biến động kinh tế bất ổn của thế giới từ tháng 7/2019 đến nay thì 5 năm trước đó, giá vàng tăng rất thấp so với lãi suất ngân hàng. Như vậy, đồng tiền Việt Nam so với giá vàng trong 5 năm qua thì gửi ngân hàng lại lãi hơn mua vàng”, ông Hiển phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, trong giai đoạn này, bất động sản đã tích lũy mức độ tăng của 5 năm, nhưng sức tăng trưởng của kinh tế thế giới cũng như Việt Nam cũng phải mất thời gian 5-7 tháng nữa mới lấy lại được “phong độ” như trước đầu năm 2020. Tức là phải sang quý 1/2021, thậm chí phải tới quý 2 sang năm mới ổn.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước nói riêng và Chính phủ chắc chắn sẽ thận trọng trong vấn đề tiền tệ. Vì thế, ông Hiển nhận định, ít nhất 6 tháng tới đồng tiền có vai trò nhất định trong an toàn tài chính và có giá trị.
Còn số người bán bất động sản sẽ nhiều hơn số người mua bất động sản bởi từ tháng 10/2019 nhà nước đang tăng dần việc quản lý dòng tiền vào bất động sản. Khi các doanh nghiệp không vay được ngân hàng, doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu bất động sản thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã cảnh báo việc rủi ro với các trái phiếu bất động sản… Điều này cho thấy ngành bất động sản sẽ khó khăn về vốn.
“Với người có tiền gửi ngân hàng nếu chưa thấy một bất động sản mà mình biết, mình thích và thấy có giá trị tốt trong khi chỉ thấy gửi tiền ngân hàng lãi suất thấp quá nên mình muốn đổ tiền vào bất động sản giai đoạn này là chưa thích hợp. Ít nhất 6 tháng tới, giá bất động sản vẫn chưa tăng. Vì thế, cần thong thả quan sát, chứ đừng lo lắng giá bất động sản tăng mà vội mua”, ông Hiển đưa ra lời khuyên.