Tương lai của Thái Bình
Quy hoạch phát triển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 4 không gian kinh tế – xã hội, 3 hành lang kinh tế và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
Trong đó, xây dựng 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng; xây dựng đô thị xanh – sạch – đẹp, trong lành; phát triển toàn diện Khu kinh tế Thái Bình trở thành hạt nhân, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh quy hoạch 04 không gian kinh tế – xã hội theo cấu trúc: Trung tâm là thành phố Thái Bình; không gian kinh tế – xã hội ven biển; không gian kinh tế – xã hội vùng ngoại vi và không gian kinh tế – xã hội phía Nam.
Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế phía Đông (có 2 trung tâm là đô thị Tiền Hải và đô thị Thái Thụy, đóng vai trò là đô thị đối trọng với thành phố Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc – Tây Nam; Hành lang phát triển Tây Bắc kết nối vùng ngoại vi với các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam) và hướng về Hà Nội; Hành lang Đông Bắc – Tây Nam kết nối các tỉnh Bắc Trung Bộ với thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Tầm nhìn quy hoạch cùng những nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Thái Bình đã giúp “miền quê lúa” gặt hái “trái ngọt” khi năm 2023, thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, cao nhất từ trước đến nay, đứng trong top 5 cả nước về thu hút vốn FDI, chính thức đưa Thái Bình vào “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trở thành “thành trì” của hàng loạt “ông lớn” FDI như VSIP, ET Solar Power HongKong Limited, Pegavision Corporation…
Khả năng thu hút FDI của Thái Bình được duy trì khi trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh đạt trên 232 triệu USD, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm 2023. Tiềm năng rõ nét cùng sự phát triển nội tại mạnh mẽ đang giúp Thái Bình trở thành “từ khóa” hấp dẫn cho các nhà phát triển đô thị.
Mở rộng trung tâm thành phố về phía nam
Là một tỉnh “đất hẹp, dân đông”, diện tích của Thái Bình khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, xét về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số cao gấp 4 lần mức trung bình cả nước. Do đó, việc mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình là yêu cầu cấp thiết trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Thành phố Thái Bình được xác định là vùng đô thị lõi với mục tiêu trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển mới theo quy hoạch, Thành phố Thái Bình đang tập trung mở rộng không gian về phía Nam vì khu vực này sở hữu hạ tầng giao thông thuận tiện, không gian đủ lớn để phát triển đô thị theo định hướng chung của thành phố.
Về hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường mới từ trung tâm thành phố liên tục được mở rộng về phía Nam như đường Lê Quý Đôn, đường Chu Văn An kéo dài… Trong đó, đường Vành đai 2 – dự án trọng điểm của tỉnh tại phía Nam thành phố đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2024. Tuyến đường này cùng với Quốc lộ 10 sẽ tăng năng lực giao thương của thành phố Thái Bình đến các quận phía Nam, kết nối với tuyến đường ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng hay Khu kinh tế biển 30.583 ha mà không phải đi qua trung tâm thành phố Thái Bình.
Về hạ tầng xã hội, khu vực phía Nam tập trung phát triển các điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan mới như công viên Kỳ Bá rộng 10 ha; các tiện ích cộng đồng như trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí…
Ngoài ra, khu vực phía Nam cũng được quy hoạch trở thành trung tâm y tế của tỉnh Thái Bình, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm y tế chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hạ tầng y tế tại khu vực này bao gồm: Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Mắt, quy hoạch xây dựng Bệnh viện Đa khoa mới quy mô 1.500 giường và các bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Lâm Hòa,…
Về phát triển đô thị tại khu vực phía Nam thành phố Thái Bình, dọc theo nút giao thông Lê Quý Đôn và các tuyến đường vành đai, 10 khu đô thị lớn nhỏ đang được hình thành với quy hoạch phát triển đồng bộ. Trong đó, Daewoo E&C cũng “đăng ký” phát triển một khu đô thị có quy mô vốn gần 10.000 tỷ đồng tại đây.
Là một trong những khu đô thị đầu tiên tại khu vực phía Nam, dự án Glory Downtown tọa lạc tại mặt tiền đường Lê Quý Đôn, rộng 41m, có quy mô 1,62 ha, bao gồm 128 căn nhà phố thương mại sở hữu hợp pháp theo hình thức đấu giá đất đô thị, sở hữu lâu dài. Vị trí này giúp dự án được hưởng nhiều lợi thế từ quy hoạch mở rộng trung tâm về phía Nam thành phố Thái Bình.
Có thể nói, tầm nhìn quy hoạch đang thúc đẩy xu hướng mở rộng không gian phát triển đô thị của Thành phố Thái Bình. Theo đó, hội tụ nhiều yếu tố để xứng đáng là vệ tinh quan trọng của thành phố, khu vực phía Nam đang tăng tốc thuận lợi, trở thành trung tâm năng động mới của vùng.
Link nguồn: https://cafef.vn/khu-vuc-bat-dong-san-soi-dong-nhat-thai-binh-duoc-xac-dinh-la-do-thi-ve-tinh-quan-trong-cua-thanh-pho-188240911160622339.chn