Thị trường bất động sản liên tục gặp khó khăn trong 3 năm qua, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy các thương vụ M&A bất động sản tỷ đô. Trong nước, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhờ M&A với các dự án để lại dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường. Khác với các doanh nghiệp bất động sản ban đầu lớn lên bằng các quy trình cơ bản (phát triển quỹ đất rồi mới làm dự án), những cái tên mới trên con đường trở thành “ông lớn” đều có một điểm chung: các dự án M&A để “đi tắt đón đầu”.
Trước hết phải kể đến Masterise Group với các thương vụ M&A hàng loạt dự án nhà ở “nổi tiếng” như Grand Maria (Quận 1, TP.HCM), The Global City (Thủ Đức, TP.HCM) quy mô 171 ha, The Grand Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)… và các dự án thành phần tại các khu đô thị của Vinhomes tại Hà Nội và TP.HCM. Cùng với Masterise Group, Phát Đạt cũng là một trong những doanh nghiệp tích cực triển khai các thương vụ M&A trên cả nước.
Trong hai năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại Hà Nội và khu vực phía Nam cũng ghi nhận một cái tên M&A ấn tượng với các hoạt động hợp tác phát triển hàng loạt quỹ đất tư nhân dồi dào, đó là Tập đoàn KITA. Thông qua lộ trình M&A các dự án pháp lý sạch, Tập đoàn KITA đã hồi sinh Khu dân cư Ngân Thuận, nay có tên gọi là KITA Airport City, với quy mô hơn 150 ha tại trung tâm quận Bình Thủy – TP Cần Thơ. Cùng với việc bàn giao hơn 2.000 sổ đỏ cho người mua biệt thự, nhà phố, mới đây KITA đã khởi công xây dựng dự án căn hộ Stella Icon tại Khu đô thị KITA Airport City.
Tại khu vực phía Bắc, KITA cũng đã M&A thành công dự án KITA Capital nằm trong khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra. Ngay sau khi dự án được KITA mua lại, doanh nghiệp này đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và trao sổ đỏ cho khách hàng, chứng minh hiệu quả thực sự của các hoạt động M&A mà Tập đoàn KITA đã triển khai trong thời gian qua. Ngoài ra, còn một số dự án khác cũng đã được KITA Group M&A thành công như: Dự án Khu đô thị cao cấp Golden Hills Mega Project (Đà Nẵng); Dự án Khu nghỉ dưỡng TAX và Tiểu khu đô thị Hòa Lạc (Hà Nội); Dự án Sân golf cao cấp Sakura (Hải Phòng)…
Ngoài những ông lớn kể trên, thị trường bất động sản Việt Nam còn ghi nhận hàng loạt tên tuổi trong nước đang lớn mạnh hơn nhờ M&A các quỹ đất sạch như Danh Khôi sở hữu hàng chục dự án trên cả nước, Sunshine Group với hơn 40 dự án chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, MIK nắm giữ quỹ dự án căn hộ lớn tọa lạc tại nhiều vị trí đắc địa tại Hà Nội nhờ M&A.
Ngoài các doanh nghiệp trong nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tận dụng giai đoạn khó khăn của bất động sản 2021-2024 để gom quỹ đất sạch lớn. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong hai quý đầu năm đạt gần 2 tỷ USD, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 15% tổng vốn nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản đáng chú ý. Các nhà đầu tư nước ngoài chi nhiều tiền nhất chủ yếu đến từ Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…
Đáng chú ý, theo đại diện của Cushman & Wakefield, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là tìm kiếm quỹ đất sạch, chất lượng tốt, giá trị thực cũng như hồ sơ pháp lý đầy đủ, có nhiều tiềm năng phát triển. Phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước do tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn.
“Nếu như 15 năm trước, vốn FDI chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp với những cái tên quen thuộc như Keppel Land, Capitaland… thì hiện nay thị trường có nhiều “tay chơi” mới gia nhập cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land…”, bà Trang Bùi khẳng định.
Theo các chuyên gia, M&A bất động sản được kỳ vọng sẽ rất hấp dẫn với các nhà đầu tư khi một số điểm trong luật mới được thông qua. Cụ thể, 3 Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hợp tác dễ dàng hơn. Theo đó, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán tích cực sẽ chuyển sang giai đoạn cuối. Mục tiêu đầu tư tập trung vào việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thực, sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.
Có thể nói, M&A là con đường rộng mở và nhanh chóng cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính và khả năng vực dậy các dự án để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, lúc này, các nhà đầu tư cần đánh giá lại và điều chỉnh chiến lược M&A một cách linh hoạt để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Bởi lẽ, M&A không chỉ đơn thuần là xu hướng tích trữ, gom góp tài sản mà đã trở thành giải pháp tăng cường nội lực, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, mục tiêu của các thương vụ cũng dần chuyển dịch từ “cạnh tranh, đối đầu” sang “đầu tư, hợp tác” để tạo ra những giá trị cộng hưởng và cùng phát triển.
Link nguồn: https://cafef.vn/loat-dai-gia-bat-dong-san-phat-trien-manh-me-nho-ma-du-an-18824080916290974.chn