Áp lực chốt lời trong phiên giao dịch đầu tuần khiến thị trường tiếp đà lao dốc và VN-Index thoái lui về vùng 1.235 điểm, đánh dấu phiên giảm sâu thứ 2 liên tiếp. Thị trường dường như “tìm được lý do để chỉnh” khi thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu đã được công bố. Dòng tiền vẫn tiếp tục được duy trì sau phiên bùng nổ với thanh khoản khớp lệnh trên HOSE đạt mức 22.500 tỷ đồng.
Dù vây, mức giảm kể trên vẫn “chưa thấm vào đâu” so với nhịp tăng bốc đầu hơn 200 điểm của thị trường từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Vậy xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ ra sao và VN-Index có thể về đâu sau hai phiên giảm mạnh?
Khả năng tiệm cận lại vùng 1.200 điểm
Bình luận về diễn biến thị trường, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS đánh giá VN-Index thoái lui trước vùng cản mạnh 1.280 điểm sau 4 tháng tăng điểm liên tiếp kể từ đáy tháng 11/2023, tín hiệu đảo chiều cùng thanh khoản duy trì cho thấy khả năng “vùng phân phối” đang diễn ra một cách rõ nét.
Nhìn từ góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã xuất hiện một nến Bearish Engulfing kèm thanh khoản lớn củng cố tín hiệu phân phối đang diễn ra với ít nhất 3 phiên trên 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng. Đây là tín hiệu cảnh báo quan trọng sau khi RSI đã đi sâu vào vùng quá mua trong 2 tuần gần đây và bắt đầu giảm khỏi vùng này. Ngoài ra, VN-Index cũng đã nằm dưới đường P.SAR cho thấy sự thận trọng là cần thiết sau khi chuyển sang tín hiệu giảm giá từ chỉ báo này.
Dù xuất hiện nhiều tín hiệu đảo chiều, song chuyên gia cho rằng xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị phá vỡ khi VN-Index vẫn nằm trên MA20 tại mức 1.232 điểm. Tuy nhiên, việc để mất 1.250 cũng là tín hiệu sớm bảo khả năng vi phạm về trend. Vùng hỗ trợ mạnh là giao thoa của 2 vùng Fibonacci lớn đang nằm ở vùng 1.200 điểm.
Trên kịch bản thận trọng với xác xuất xảy ra là 70%, ông Sơn dự báo vùng hỗ trợ MA tương đương 1.232 điểm có thể bị phá vỡ, chỉ số VN-Index sẽ rơi vào sideway down vào nhịp điều chỉnh tiệm cận lại hai vùng hỗ trợ mạnh 1.200 và vùng thứ 2 là 1.160-1.170 điểm.
Chuyên gia VPBankS cho rằng chiến lược thận trọng nên được ưu tiên và duy trì trong giai đoạn này khi tín hiệu phân phối đang diễn ra rõ rét. Nhà đầu tư có thể tiếp tục chốt lời với các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng, xem xét trading một số nhóm ngành lựa chọn như chứng khoán, bán lẻ, hóa chất,…
Nhà đầu tư trung hạn có thể tranh thủ cơ hội tích luỹ cổ phiếu
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cho rằng thị trường đối mặt áp lực chốt lời liên tiếp sau một chuỗi tăng mạnh kể từ đầu năm là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều lo ngại khi tỷ giá diễn biến phức tạp, khối nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh liên tục bán ròng đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của nhiều nhà đầu tư.
Phiên phân phối cuối tuần trước cộng thêm phiên giảm điểm ngày 11/3 khiến rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu. Mặc dù vậy, chuyên gia cho rằng ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.230 (+-5) điểm, tương ứng với MA20 trên khung ngày vẫn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý và chỉ số sẽ xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây. Trong trường hợp chỉ số không sớm chinh phục thành công ngưỡng cản 1.250 điểm sau đó, rủi ro giảm điểm xuống dưới mốc 1.200 điểm cần phải được tính đến.
Dự báo về xu hướng tiếp theo của thị trường, chuyên gia Agriseco cho rằng “phân hóa” sẽ tiếp tục là diễn biến chủ đạo. Với xu hướng tăng điểm hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo trong trung hạn, các nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng tỷ trọng và ưu tiên các mã cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục và các cổ phiếu đang được giao dịch gần vùng nền giá tích lũy. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm hưng phấn và ưu tiên việc quản trị rủi ro cho danh mục lên hàng đầu trong kịch bản ngưỡng hỗ trợ đã đề cập bị phá vỡ.
Link nguồn: https://cafef.vn/giam-sau-2-phien-lien-tiep-vn-index-bao-gio-ngung-roi-188240311191556322.chn