Theo đó, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2023 là 9.760 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 17% và 34% so với cùng kỳ.
Năm 2023, doanh thu thuần sẽ giảm 2% so với cùng kỳ, xuống còn 33.137 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của PNJ sẽ tăng 9%, ở mức 1.971 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục từ trước đến nay của PNJ.
PNJ cho biết nguyên nhân đạt được mức lợi nhuận trên là do giành thêm thị phần, tăng lượng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới và tung ra nhiều sản phẩm hơn. So với mục tiêu đề ra, PNJ đã thực hiện được 93% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận khoảng 2% cho năm 2023.
Về hoạt động của các mảng, doanh thu trang sức bán buôn và bán lẻ của PNJ giảm so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 8% và 31%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vàng 24K tăng 21%.
Biên lợi nhuận gộp trung bình của PNJ năm 2023 đạt 18,3% (cao hơn mức 17,5% cùng kỳ năm 2022) chủ yếu nhờ nỗ lực từ việc giảm giá vốn hàng bán. Tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp năm 2023 tăng 0,8% do mở rộng hệ thống bán lẻ.
Một “đại gia” khác trong ngành vàng là CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji có kết quả kinh doanh khiêm tốn hơn.
Theo báo cáo tình hình tài chính năm 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của Doji đạt 75.798 tỷ đồng, giảm 1.558 tỷ đồng, tương đương 2% so với năm 2022.
Trong khi đó, giá vốn giảm nhẹ từ 76.167 tỷ đồng xuống 74.906 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Doji năm 2023 giảm 152 tỷ đồng, tương đương 14,8% xuống 872 tỷ đồng.
Trong năm, Doji đã nỗ lực cắt giảm nhiều chi phí. Chi phí tài chính giảm 297 tỷ đồng, tương đương 47,8% xuống 325 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 298 tỷ đồng xuống còn 221 tỷ đồng.
Dù cắt giảm chi phí nhưng Doji vẫn chứng kiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh trong năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 491 tỷ đồng, giảm gần 52% so với năm 2022.
Cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Doji đạt 6.745 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm 2023 là 2,35 lần, cao hơn 1,95 lần năm trước.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2023, Doji thoát khỏi nợ trái phiếu. Theo báo cáo trả gốc và lãi định kỳ năm 2023, doanh nghiệp đã xử lý 640 tỷ đồng dư nợ lô trái phiếu DOJI.L.20.23.001 trong giai đoạn tháng 4 – tháng 7 năm 2023.
Năm 2023, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land (Doji Land) là đơn vị nhận được nhiều vốn nhất từ Doji. Tính đến cuối năm 2023, giá trị đầu tư của Doji vào Doji Land lên tới 3.500 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng, tương đương 133% so với cuối năm 2022.
Link nguồn: https://cafef.vn/gia-vang-ngay-cang-nong-doanh-nghiep-trong-nganh-lam-an-ra-sao-188240418173809182.chn