Theo một nghiên cứu của Batdongsan.com.vn, giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện nay cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.
Doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi khi tham gia phát triển phân khúc nhà ở giá thấp (ảnh: KDC Tái định cư Bình Khánh)
Trong khi đó, theo nghiên cứu của DKRA Việt Nam, kể từ năm 2019 cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1-1,5 tỷ đồng một căn.
Cụ thể, trong 3-5 năm trở lại đây, giá căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16 -21 triệu đồng mỗi m2 nay đã chạm ngưỡng 25-36 triệu đồng mỗi m2. Giá bất động sản không ngừng leo thang đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15-30 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, giá nhà trung cấp tại TP.HCM đã chạm ngưỡng 40 – 45 triệu đồng/m2, một số dự án 50 – 60 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, chia sẻ mới nhất về thị trường nhà ở quý III/2020 tại Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam thừa nhận, thị trường nhà ở Thủ đô cũng đang đối mặt với sự nhảy cảm về giá, ở khu vực ngoài vành đai ba cũng đã có giá tới 60 triệu đồng/m2.
Với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm nay khoảng 2.750 USD/người (gần 64 triệu đồng/người), giá nhà đang vượt quá xa thu nhập đại đa số người dân. Cơ hội mua căn hộ 1 tỷ đồng đang dần “biến mất” với những người trẻ.
Các dự án nhà ở giá rẻ đang dần biến mất khỏi thị trường
Về phía Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá nhà tăng cao là do nguồn cung mới đang giảm mạnh bởi những vướng mắc trong thực hiện cơ chế đất đai.
Cụ thể, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Hà Nội cũng như TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Ngay cả các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu từ quy hoạch, cấp phép xây dựng cho đến việc đủ điều kiện tham gia thị trường.
“Đáng lưu ý, kể từ quý I/2020 đến nay, trong cơ cấu nguồn cung mới, loại hình căn hộ có mức giá bình dân tiếp tục không còn xuất hiện trên thị trường. Do khan hiếm nguồn cung dẫn đến giá căn hộ bình dân bị đẩy lên ngang với phân khúc trung cấp” – báo cáo của Hội Môi giới bất động sản chỉ rõ.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận, giá nhà ở nước ta hiện nay chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Trong khi đó, tình trạng lệch pha cung cầu diễn ra ngày càng rõ rệt, nguồn cung nhà ở thuộc phân khúc trung, cao cấp (trên 25 triệu đồng/m2) đang dư thừa; trong khi nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) lại rất thiếu, dù chiếm tới 70-80% nhu cầu thị trường.
Kết thúc năm 2019, giá trị tồn kho bất động sản khoảng 20.000 tỷ đồng, chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch (condotel) và nhà tái định cư thiếu hạ tầng.