Giá nhà cao nhưng giao dịch thực tế ít
Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về thị trường bất động sản quý II/2024 và nhấn mạnh, mặc dù giá nhà ở cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Nguyên nhân được cho là giá nhà ở chênh lệch đáng kể so với thu nhập của người dân, xu hướng này vẫn được duy trì trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thu nhập của những người có nhu cầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Trên thực tế, dù đỉnh điểm của “cơn sốt” đã qua (tháng 4 – tháng 5/2024), giá căn hộ tại Hà Nội vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm giá.
Trong đó, phân khúc căn hộ có giá từ 2 tỷ đồng trở xuống hầu như không có trên các sàn môi giới, hay các bài viết rao bán căn hộ. Nếu có thì chủ yếu là căn hộ studio 1 phòng ngủ, 1 phòng tắm, diện tích khiêm tốn; hay căn hộ 2 phòng ngủ, 1 phòng tắm nhưng chủ yếu đến từ các dự án chưa triển khai, hoặc đã triển khai nhưng chưa có sổ hồng.
Đặc biệt, trên trang web Batdongsan.com.vn còn xuất hiện hiện tượng một số môi giới cố tình đăng thông tin bán căn hộ giá khá rẻ để thu hút người có nhu cầu. Tuy nhiên, khi gọi điện trao đổi, những người này thường nói giá từ năm 2023, vì trang web tự động đẩy thông tin. Sau đó, những người này chuyển sang tư vấn cho người mua về những căn hộ khác, cùng mức giá. Tuy nhiên, hầu hết các căn hộ có cùng mức giá đều thuộc phân khúc căn hộ tập thể, hoặc loại hình studio.
Do quá chán ngán với tình trạng giá chung cư tăng cao và thủ đoạn của những kẻ môi giới vô đạo đức, thời gian gần đây trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các nhóm như “Cộng đồng ngừng mua nhà tại Hà Nội để tránh giá điên rồ” với 65,3 nghìn thành viên, “Hội ngừng mua nhà tại Hà Nội để tránh giá điên rồ”,… với số lượng người tham gia ngày càng tăng.
Nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp chậm lại
Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2024 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, một trong những lĩnh vực cho vay chính của tăng trưởng tín dụng là bất động sản thời gian gần đây đã giảm mạnh, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân chậm lại.
Ông Nguyễn Quang Ngọc – Phó Trưởng phòng Chính sách tín dụng Agribank cho biết, ngân hàng này đã dành 30.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án, mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo danh mục do Bộ Xây dựng công bố.
Tính đến ngày 31/7/2024, Agribank mới chỉ phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội và 113 đối tượng mua nhà với tổng số tiền phê duyệt là 3.065 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 731.523 triệu đồng, tăng 490 tỷ đồng và 112 khách hàng so với đầu năm (Dư nợ cho vay chủ đầu tư là 663.749 triệu đồng, dư nợ cho vay mua nhà là 67.774 triệu đồng).
Trong khi đó tại TP Hải Phòng, dư nợ cho vay mua nhà ở xã hội chỉ đạt 4.264 triệu đồng với 19 khách hàng mua nhà tại 2 chi nhánh Bắc Hải Phòng và Đông Hải Phòng.
“Agribank nhận thấy nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội tại Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa cao. Do đó, Agribank mong muốn tiếp cận được với các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu vay vốn để phát triển, mua nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Quang Ngọc cho biết.
Về tình hình tín dụng, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/5, dư nợ tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.205.437 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng cho các dự án đầu tư xây dựng đô thị và dự án phát triển nhà ở là 318.799 tỷ đồng; dư nợ tín dụng cho các dự án cho thuê văn phòng là 44.080 tỷ đồng; dư nợ tín dụng cho các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 86.330 tỷ đồng; dư nợ tín dụng cho các dự án du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 49.127 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng cho các dự án nhà hàng, khách sạn là 61.483 tỷ đồng; dư nợ tín dụng xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê là 126.794 tỷ đồng; dư nợ tín dụng cho vay mua quyền sử dụng đất là 94.402 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản khác là 424.422 tỷ đồng.
Link nguồn: https://cafef.vn/gia-nha-neo-cao-nhung-giao-dich-that-khong-nhieu-khien-moi-gioi-phai-dung-chieu-kich-cau-188240819075943247.chn