Đó là ý kiến của bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội.
Bà Hằng cho biết thêm, thay vì đầu tư bất động sản ở vùng sâu, vùng xa, phải chờ đợi và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như tốc độ đô thị hóa, điều kiện phát triển hạ tầng thì bất động sản có thể sở hữu ngay, gần nơi ở đang là xu hướng của nhà đầu tư hiện nay.
Chuyên gia này cũng cho rằng trong tương lai gần, tình trạng mất cân đối cung cầu chưa thể giải quyết được vì chúng ta vẫn đang chờ hướng dẫn bằng văn bản của Luật. Dự báo giá bất động sản sẽ được điều chỉnh nhưng không nhanh vì nguồn cung mới trong ngắn hạn vẫn là bài toán khó và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Hà Nội của Savills, nguồn cung căn hộ mới trong quý II/2024 giảm 34% theo quý và 25% theo năm xuống còn 2.697 căn. Nguồn cung sơ cấp là 10.317 căn cũng ghi nhận mức giảm 20% theo quý và 49% theo năm. Giá bán sơ cấp đạt 65 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm.
Thống kê của Savills cho thấy, kể từ năm 2020, giá sơ cấp trung bình đã tăng 18%/năm. Việc giá sơ cấp tăng kết hợp với nguồn cung sơ cấp giảm đã tạo điều kiện cho giá thứ cấp tăng 14%/năm. Riêng quý II/2024, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới nào dưới 45 triệu đồng/m2. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp hạng C cũng đã giảm 45%/năm.
Tại thị trường biệt thự, nhà phố, nguồn cung biệt thự từ các dự án giá cao khiến giá biệt thự sơ cấp tăng 9% theo quý lên 178 triệu đồng/m2. Giá nhà phố giảm 2% theo quý nhưng vẫn giữ ở mức cao 188 triệu đồng/m2 đất do nhiều căn giá cao đã bán hết và chỉ còn lại căn giá rẻ. Giá nhà phố thương mại tăng 3% theo quý lên 288 triệu đồng/m2 đất do thiếu nhà phố thương mại giá rẻ và không có đợt điều chỉnh giá.
Nhìn chung, giá sơ cấp vẫn ở mức cao, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường thứ cấp. Giá thứ cấp của biệt thự thấp hơn giá sơ cấp 8%, trong khi giá nhà phố thấp hơn 5%.
Không chỉ nguồn cung bị hạn chế, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 còn quy định bãi bỏ khung giá đất, giá đất được xác định theo nguyên tắc thị trường cũng sẽ tác động khiến giá bất động sản tăng trong thời gian tới.
Như ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) thừa nhận, giá bất động sản có thể tăng khi khung giá đất được gỡ bỏ, nhưng tác động này không ảo như các cơn sốt trước đây. Các quy định mới đưa tài sản trở về giá trị thực, người bán và người mua minh bạch, các cơ quan quản lý có thể dễ dàng giám sát thị trường.
Cùng quan điểm, ông Lê Bảo Long – Giám đốc chiến lược Batdongsan.com.vn cũng khẳng định khả năng giá bất động sản tăng rất cao sau khi luật có hiệu lực. Đất đai sẽ là loại hình bất động sản chịu tác động nhiều nhất vì cũng chịu tác động từ quy định cấm phân lô, bán đất tại 105 thành phố, thị xã.
Các tòa nhà chung cư cũng sẽ biến động. Giá bất động sản sơ cấp sẽ tăng khi Luật yêu cầu các nhà đầu tư phải khắt khe hơn về điều kiện kinh doanh, tỷ lệ vốn và thủ tục tái định cư. Chất lượng phát triển nhà ở tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn các giai đoạn trước. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tổng chi phí phát triển một dự án sẽ tăng nhiều hơn so với các giai đoạn trước.
“Nếu chi phí xây dựng dự án tăng thì giá bất động sản sơ cấp trên thị trường tất yếu cũng tăng theo. Và nếu giá bất động sản sơ cấp tăng thì giá nhà thứ cấp ở khu vực xung quanh cũng sẽ tăng”, ông Long bình luận.
Link nguồn: https://cafef.vn/gia-bds-tiep-tuc-tang-vao-nua-cuoi-nam-chuyen-gia-chi-diem-khu-vuc-dau-tu-de-toi-uu-dong-tien-tot-nhat-188240715162421549.chn