Giá vàng thế giới mở đầu tuần giao dịch mới với mức tăng nhẹ, tiếp nối xu hướng tăng của tuần trước, khi tín hiệu giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tuần này, dữ liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là báo cáo lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tác động đến tỷ giá USD và diễn biến giá vàng.
Vào lúc gần 8h sáng nay (26/8) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,4 USD/oz so với giá đóng cửa phiên giao dịch thứ sáu tuần trước tại New York, giao dịch ở mức 2.513,9 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức giá này tương đương gần 76,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng hơn 1% vào thứ Sáu sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố đã đến lúc điều chỉnh chính sách – tín hiệu rõ ràng nhất mà Powell đưa ra cho đến nay về việc cắt giảm lãi suất sau chiến dịch tăng lãi suất bắt đầu vào tháng 3 năm 2022 để chống lại mức tăng lạm phát mạnh nhất trong một thế hệ.
Tỷ giá hối đoái USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đều giảm mạnh sau tuyên bố của ông Powell, “thúc đẩy” giá vàng tăng.
Chỉ mới mở cửa sáng nay, Chỉ số Đô la, thước đo sức mạnh của đồng Đô la Mỹ so với rổ sáu loại tiền tệ chính khác, tiếp tục giảm, đạt mức thấp nhất trong gần hai năm. Vào lúc 8:00 sáng giờ Việt Nam, chỉ số này giảm 0,14% xuống 100,58 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2022 – theo dữ liệu từ MarketWatch. Tuần trước, Chỉ số Đô la Mỹ đã giảm hơn 1,7%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm thêm, mất 23 điểm cơ bản so với mức đóng cửa của thứ sáu là 3,784%.
Hầu hết các chuyên gia đều lạc quan về triển vọng giá vàng, cho rằng kim loại quý này sẽ sớm lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng áp lực chốt lời có thể xuất hiện trong ngắn hạn khi giá vàng đang gần chạm mức kỷ lục mọi thời đại.
Phát biểu với Kitco News, Joy Yang, giám đốc tiếp thị và quản lý sản phẩm tại MarketVector Indexes, cho biết giá vàng có thể đã phản ánh vào tin tức Fed sắp cắt giảm lãi suất, do đó có khả năng giá sẽ giảm và chốt lời ở mức cao hiện tại. Tuy nhiên, Yang chỉ ra rằng giá vàng vẫn chưa vượt qua mức đỉnh lịch sử khi tính đến lạm phát và vẫn chưa phản ánh đầy đủ xu hướng lạm phát dài hạn.
Lãi suất thấp hơn và đồng đô la yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu vàng nhiều hơn nữa. Yang cho biết: “Miễn là các nhà đầu tư tăng nhẹ phân bổ của họ vào vàng và cổ phiếu khai thác vàng, xu hướng tăng giá vàng sẽ tiếp tục”.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất thế giới (ETF), đã mua ròng 12,38 tấn vàng vào tháng 8 này và hiện nắm giữ 856,12 tấn, theo dữ liệu từ trang web của quỹ. Tuy nhiên, lượng nắm giữ của quỹ vẫn thấp hơn khoảng 21 tấn so với cuối năm ngoái, nghĩa là vẫn còn chỗ cho các giao dịch mua ròng tiếp theo.
Chiến lược gia trưởng của Blue Line Futures, Phillip Streible dự đoán giá vàng có thể đạt 2.600 đô la một ounce trước khi áp lực chốt lời mạnh xuất hiện.
Marc Chandler, CEO của Bannockburn Global Forex, dự đoán đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thể tăng trở lại vào tuần này hoặc tuần sau, trước khi Hoa Kỳ công bố báo cáo việc làm tháng 8 vào ngày 6 tháng 9.
“Vàng có thể đạt kỷ lục mới, nhưng các chỉ báo động lượng tăng giá đang bị kéo căng quá mức. Dự báo của tôi về lãi suất và tỷ giá cho thấy vàng có thể bước vào giai đoạn củng cố. Mức hỗ trợ ban đầu cho vàng có thể nằm trong khoảng 2.460-2.470 đô la/oz”, Chandler cho biết.
Các báo cáo kinh tế quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong tuần này, có thể có tác động lớn đến triển vọng lãi suất của Fed, bao gồm báo cáo yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và số liệu sơ bộ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 dự kiến công bố vào thứ năm, tiếp theo là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến công bố vào thứ sáu. Báo cáo PCE – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – có thể dẫn đến những thay đổi trong kỳ vọng về lãi suất và do đó là giá vàng.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/so-lieu-lam-phat-my-co-the-khien-gia-vang-bien-dong-manh-tuan-nay.htm