Quỹ đất khu công nghiệp sắp hết
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn có có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.500 ha, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Diện tích đất khu công nghiệp cho thuê đạt trên 85%.
Ông Nguyễn Trí Phương – Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, 2 khu công nghiệp vừa được thành lập còn nhiều vấn đề dang dở. Đó là là Khu công nghiệp Long Đức 3 với diện tích khoảng 250 ha hiện nay mới xong phần pháp lý, còn tổ chức thực hiện cần thời gian ít nhất 2 năm. Cùng với đó là Khu công nghiệp công nghệ cao Amata Long Thành.
“Đang trong quá trình vừa bồi thường, giải phóng mặt bằng, vừa thực hiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, vừa kết hợp thu hút đầu tư. Khu này có diện tích khoảng 400 ha, được Nhà nước giao đất khoảng 160 ha” – ông Nguyễn Trí Phương nói.
Theo ông Phương, các khu công nghiệp ở Đồng Nai thu hút nhà đầu tư từ 44 quốc gia, vùng lãnh thổ với 2.111 dự án. Riêng trong năm 2023, tổng doanh thu của các khu công nghiệp là hơn 21,8 tỷ USD, đóng thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước gần 920 triệu USD. Có 11 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đang vướng mắc về mặt bằng với tổng diện tích khoảng 752 ha.
Đổi mới công nghiệp lạc hậu
Về phía các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp, ông Nguyễn Công Định – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hố Nai cho biết: Hiện trong khu công nghiệp còn nhiều hộ dân chưa di dời, trả mặt bằng để xây dựng hạ tầng.
Ông Định mong muốn chính quyền địa phương đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Ông Thái Hoàng Nam – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành nhận định, các tuyến đường lớn đi qua Đồng Nai đang trong tình trạng quá tải, cản trở thu hút đầu tư. Vì vậy, tỉnh cần quyết liệt hơn trong việc đầu tư hạ tầng kết nối với khu công nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, nếu Đồng Nai không nỗ lực giải quyết các hạn chế liên quan đến bồi thường, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp thì công nghiệp của tỉnh rất khó phát triển mạnh, bền vững.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, dù là tỉnh phát triển công nghiệp lâu đời nhưng công nghiệp Đồng Nai chậm đổi mới, lạc hậu, hiệu suất giá trị gia tăng thấp. Thời gian tới, lĩnh vực này phải tự làm mới, áp dụng chuyển đổi số.
“Công nghiệp phải là công nghiệp chất lượng, giá trị cao, trở thành công nghiệp trí tuệ, có hàm lượng chất xám cao. Đó là mục tiêu của chúng ta” – ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần nâng chuẩn khu công nghiệp, hỗ trợ các khu công nghiệp trong lộ trình chuyển đổi để hướng tới phát triển xanh.
Link nguồn: https://cafef.vn/dong-nai-thuc-day-cong-nghiep-gia-tri-cao-bang-chuyen-doi-so-188240309134917084.chn