Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đã phát huy được sự nhạy bén, sáng tạo trong xây dựng thương hiệu, tiếp cận và hòa nhập nhanh với nền cơ chế thị trường.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng đã phối hợp với các sở, hiệp hội, hội trong ngành Xây dựng phát động cuộc bình chọn “Thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng lần thứ IV – năm 2021” thông qua hình thức bình chọn công khai, trực tiếp của người tiêu dùng.
Nhiều thương hiệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã đạt được những bước tiến vượt bậc về chất lượng công nghệ được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao như: Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất, Công ty DELTA, Tổng công ty HUD, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu & xây dựng Việt Nam Vinaconex, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Bách Khoa, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC…
Với gần 100 thương hiệu hoạt động trong các lĩnh vực: Vật liệu xây dựng, Bất động sản, Quy hoạch – Kiến trúc, Hạ tầng kỹ thuật… dựa trên số điểm bình chọn công khai trên cổng thông tin điện tử: www.thuonghieuxaydung.com.vn, Ban tổ chức ghi nhận đã có hơn 5.000.000 lượt bình chọn và đã lựa chọn được 29 thương hiệu có số lượt bình chọn, đánh giá cao nhất.
Các doanh nghiệp ngành Xây dựng đã phát huy được sự nhạy bén trong năm 2021.
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong năm 2021, bước sang quý I/2022 các doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu và chi phí nhân công dự báo tăng cao. Theo đó, để có thể phục hồi hoạt động SXKD trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã đưa ra 5 kiến nghị.
Thứ nhất, có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng.
Thứ hai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn bằng cách tiếp tục kéo dài thời gian giảm lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp; thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Thứ ba, tạo điều kiện đấu thầu mở rộng; đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước để các công trình không bị gián đoạn thi công.
Thứ tư, gia hạn kiểm tra thuế để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế, phí, kéo dài thời gian nộp thuế, lệ phí; gia hạn, lùi thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm mức tính lãi chậm nộp thuế cho doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính công, đơn giản hóa thủ tục trình tự cấp giấy phép xây dựng để các công trình, dự án được thi công đúng tiến độ, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn: cafef.vn