Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính cho biết, tính đến 17h ngày 12/9, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận thông tin về hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản, xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 trường hợp bảo hiểm y tế. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại về người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
“Đây là những số liệu sơ bộ, trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão còn diễn biến phức tạp nên số liệu về số vụ tổn thất và giá trị bồi thường bảo hiểm chưa được ghi nhận đầy đủ, toàn diện. Những tác động nặng nề do bão số 3 và lũ lụt để lại cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm, tuy nhiên cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, tạo điều kiện, đồng hành cùng các doanh nghiệp bảo hiểm để có phương án hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng”, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Tính đến nay, PVI là công ty bảo hiểm có số tiền bồi thường cho khách hàng lớn nhất. Theo báo cáo sơ bộ, PVI đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất bảo hiểm tài sản, với tổng số tiền bồi thường ước tính là 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người).
“Đây là tổn thất lịch sử ngoài mong đợi của ngành bảo hiểm nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng. PVI sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất”, đại diện PVI cho biết.
Bảo hiểm PVI cũng lưu ý rằng ngay sau khi xảy ra sự cố, khách hàng phải thông báo cho công ty bảo hiểm (qua điện thoại hoặc email) những thông tin ban đầu như: Địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại và hình ảnh hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có).
Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm tài sản, xe cơ giới và hoạt động hàng hải, với tổng mức bồi thường ước tính khoảng 230 tỷ đồng.
Bảo hiểm BSH ghi nhận khoảng 120 vụ tổn thất tài sản – kỹ thuật – hàng hải; hơn 250 vụ tổn thất xe cơ giới; bảo hiểm cá nhân ghi nhận 1 người tử vong và 6 người mất tích.
Về bảo hiểm kỹ thuật, doanh nghiệp ghi nhận 684 vụ tai nạn (trong đó, Bảo Việt 220 vụ, VBI 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, ABIC 29 vụ, PJICO 107 vụ). Về bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất.
Về bảo hiểm nhân thọ, 6 doanh nghiệp ghi nhận thiệt hại về khách hàng do bão số 3 và lũ lụt tại các tỉnh, thành phía Bắc. Trong đó, có 15 vụ tai nạn, 15 người thương vong, ước tính số tiền bồi thường ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.
Riêng Bảo hiểm AIA bồi thường cho gia đình 5 khách hàng tử vong 6,5 tỷ đồng. Bảo hiểm Daiichi bồi thường cho gia đình 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở đất tại Yên Bái 2,7 tỷ đồng.
Các công ty bảo hiểm khác hỗ trợ ban đầu khi nghe tin khách hàng phải nằm viện như: Sunlife 260 triệu đồng, Generali 20 triệu đồng, Cathay 30 triệu đồng, Bảo Việt 210 triệu đồng. Sau khi khách hàng hoàn tất thủ tục và hồ sơ điều trị, công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ quyền lợi theo hợp đồng.
Link nguồn: https://cafef.vn/doanh-nghiep-nao-phai-boi-thuong-bao-hiem-nhieu-nhat-trong-bao-lu-18824091221065753.chn