Cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh vừa có đợt tăng trần đột ngột, thiết lập đỉnh mới ở mức 121.600 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong hơn 1 tháng, giá cổ phiếu BMP đã tăng gần 34%. Vốn hóa thị trường cũng tăng vọt lên gần 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết vào năm 2006.
Cổ phiếu BMP tăng mạnh trong bối cảnh giá hạt nhựa PVC – nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh giảm mạnh. Theo tradingeconomics, giá hợp đồng tương lai PVC chỉ còn khoảng 5.100 CNY/tấn, mức thấp nhất trong 8 năm kể từ năm 2016. Điều này tạo cơ hội cho Nhựa Bình Minh duy trì biên lợi nhuận gộp cao trong thời gian tới.
Cổ phiếu BMP tăng vọt, tất nhiên vui mừng nhất là Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan khi “ông lớn” này kiểm soát 55% vốn của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con Nawaplastic. Tập đoàn này bắt đầu trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp hàng đầu ngành nhựa Việt Nam từ đầu tháng 3/2012 và liên tục mua vào.
Sau khi “nắm giữ” toàn bộ cổ phần BMP từ SCIC trong phiên đấu giá cổ phần vào tháng 3/2018, SCG đã chính thức thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh. Tổng số tiền mà “ông lớn” Thái Lan bỏ ra cho thương vụ này ước tính khoảng 2.800 tỷ đồng. Đến nay, khoản đầu tư này của SCG đã có giá trị thị trường lên tới gần 5.500 tỷ đồng, tương ứng với khoản lợi nhuận tạm tính gần 2.700 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, SCG còn “trúng số độc đắc” với cổ tức từ Nhựa Bình Minh. Từ năm 2012, công ty này chưa bao giờ quên trả cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2023, công ty đã trả cổ tức kỷ lục 126% bằng tiền mặt, trong đó cổ đông Thái Lan bỏ túi gần 570 tỷ đồng. Ước tính tổng số tiền cổ tức mà SCG nhận được kể từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh đã lên tới gần 2.100 tỷ đồng.
Về chính sách cổ tức năm 2024, Nhựa Bình Minh dự kiến sẽ dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế năm 2024 để trả cổ tức. Trên thực tế, những năm gần đây, doanh nghiệp này đã “dành” gần như toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm để trả cổ tức bằng tiền mặt.
Năm nay, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu là 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 1.030 tỷ đồng, gần như không đổi so với năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch, Nhựa Bình Minh sẽ có năm thứ 2 liên tiếp lãi nghìn tỷ.
Trong 6 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.156 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 18% so với nửa đầu năm ngoái, xuống còn 470 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, Nhựa Bình Minh mới chỉ hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận.
Nhựa Bình Minh được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa với thị phần dẫn đầu thị trường trong nước (27% đến hết năm 2023), thị trường chính tập trung ở khu vực phía Nam. Doanh nghiệp chỉ kinh doanh 1 dòng sản phẩm là ống nhựa, với 4 nhà máy với tổng công suất 150.000 tấn/năm.
Link nguồn: https://cafef.vn/mot-doanh-nghiep-dau-nganh-cua-viet-nam-lap-ky-luc-moi-dai-gia-thai-lan-vo-bam-sau-6-nam-thau-tom-188240919223654166.chn