“1 for everyone and very fast” – Chỉ 1 đổi mới áp dụng cho tất cả và rất nhanh. Sau khi thử nghiệm ở qui mô nhỏ (làm pilot) thì chúng tôi triển khai rất nhanh trên diện rộng. Đặc biệt, tại 1 thời điểm chúng tôi chỉ thực hiện 1 đổi mới, sau đó đo lường kết quả mỗi tháng, nếu không thành công thì ngừng cũng rất nhanh để triển khai dự án khác. Bí kíp này giúp Digiworld liên tục 2 năm 2022-2023 đứng vị trí số 1 trong danh sách 50 công ty niêm yết hiệu quả nhất Việt Nam.
Văn hóa ở Digiworld là “Work or not Work” hay hiểu một cách đơn giản là “Phù hợp hay không phù hợp”. “Digiworld không ngồi đánh giá đúng sai, mà chỉ phân tích xem những gì đã hiệu quả hoặc chưa hiệu quả trong dự án vừa rồi, nên phát huy những gì và không lặp lại những gì. Vì vậy, nhiều dự án luôn được triển khai để tìm được đâu là giải pháp phù hợp nhất”, bà Tô Hồng Trang – Phó Tổng Giám đốc Digiworld chia sẻ.
Mục tiêu của Digiworld là xây dựng văn hóa hiệu quả. Digiworld là nhịp cầu trung gian giữa Nhãn hàng và Đại lý (người bán cuối), vì thế, nếu không làm hiệu quả hơn Nhãn hàng hoặc Đại lý, vị thế của Digiworld trong chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ không tồn tại. Đấy là lý do Digiworld đưa giá trị hiệu quả lên vị trí số 1 và quan trọng nhất trong bộ giá trị cốt lõi gồm giao tiếp, hành động và hệ thống hiệu quả.
Môi trường kinh tế thay đổi, văn hóa doanh nghiệp cũng không thể “dậm chân tại chỗ”. Thay đổi để phù hợp với xu thế chung là điều tất yếu. Nhưng đương nhiên đây là điều không dễ dàng, đặc biệt với một yếu tố mang tính quan trọng như văn hóa. Để thay đổi thật sự hiệu quả, doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng.
Cũng trong phiên thảo luận tại sự kiện, ông Matt Lyon – Giám Đốc Mảng Tư Vấn tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, công ty Arcadia Consulting cho rằng “Sự đổi mới sáng tạo là rất tốt nhưng phải dựa trên nền tảng sẵn có (gọi là bản chất, chuyên môn) của doanh nghiệp. Khó khăn nhất là làm sao để trong quá trình thay đổi sẽ hợp nhất được hành vi của cá nhân với hành vi chung của tổ chức”.
Theo quan điểm của đại diện Digiworld, điều đầu tiên cần phải làm là nêu rõ “Lý do” phải thay đổi một cách đơn giản và dễ hiểu nhất có thể. Người lãnh đạo cần tập trung chia sẻ rõ Lý do tại sao công ty phải thay đổi. Khi thay đổi, công ty và nhân viên được lợi ích gì và ngược lại nếu không thay đổi, hậu quả sẽ là gì.
Bước tiếp theo là tạo ra “Thói quen mới” bằng cách lặp đi lặp lại các hành vi cần thiết để đạt được “Lý do”. Đây là những bước quan trọng để các cấp quản lý, nhân viên làm chủ cuộc chơi. Sai lầm của nhiều lãnh đạo là sa đà vào tiểu tiết, cầm tay chỉ việc cho cấp dưới, mà thực ra lãnh đạo không giỏi bằng cấp thừa hành.
Cuối cùng mới đến việc xây dựng “Hệ thống mới” nhất quán và dễ sử dụng để các hành động được thực hiện.
Đại diện Digiworld cũng chỉ ra những sai lầm trong việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp như Không nói rõ hoặc thuyết phục được tập thể về Lý do phải thay đổi; Đưa ra quá nhiều Hành động phải làm cùng lúc; Yêu cầu hành động mới nhưng môi trường cũ, không có đất cho hành động mới được thực thi; Yêu cầu mọi thay đổi phải được thực hiện nhanh, có kết quả ngay.
Digiworld hiện đang giữ vai trò kiến tạo thị trường (Market Builder) cho rất nhiều thương hiệu ngoại ở nhiều ngành hàng khác nhau. Đối với ngành hàng công nghệ, Digiworld hiện đang phân phối cho các thương hiệu lớn như Acer, Levono, Asus, Apple, Xiaomi, Huawei… Trước đó, chưa từng có doanh nghiệp nào cung cấp Dịch vụ phát triển thị trường với tư duy giải pháp hoàn chỉnh như những giải pháp của Digiworld.
Năm 2024, Digiworld kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp tiếp tục vận hành hiệu quả, sẽ tạo nền tảng để công ty bứt phá hướng đến những mục tiêu tham vọng. Doanh nghiệp tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu kỷ lục xấp xỉ 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng), tăng trưởng 22%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 490 tỷ đồng (tăng 38%), qua đó lấy lại đà tăng trưởng sau một năm 2023 đầy thách thức.
Link nguồn: https://cafef.vn/digiworld-bat-mi-cong-thuc-dan-dat-su-thay-doi-de-dat-muc-tieu-ty-do-188240318131506632.chn