Các chuyên gia ước tính còn phải mất hàng chục năm nữa thì Sacombank mới có thể “tiêu hóa” hết số tài sản xấu mà Phương Nam để lại. Mức giá cổ phiếu STB của Sacombank đang được giao dịch quanh mức 13.500 đồng/cổ phiếu được xem là quá cao.
Sau sáp nhập 5 năm Sacombank vẫn ì ạch
Từng được xem là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập vào Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, Sacombank không những không phát triển được mà còn bị nhiều ngân hàng “đàn em” khác bỏ lại phía sau. Thậm chí, nếu tính một cách đầy đủ các khoản nợ xấu, dự phòng các khoản phải thu thì tình hình tài chính của Sacombank càng trở nên tồi tệ.
Thông thường, mỗi quyết định sáp nhập đều hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô hoặc làm gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, “phi vụ” sáp nhập Phương Nam vào Sacombank và một trường hợp “đặc biệt” nhằm chủ yếu cứu Ngân hàng Phương Nam khỏi việc phá sản bởi nợ xấu lên mức rất cao.
Cụ thể, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước nợ xấu của Phương Nam năm 2013 là 55,3%, ước tính trước thời điểm sáp nhập là lên đến trên 70%. Chính vì món nợ xấu quá lớn này mà sau khi sáp nhập Phương Nam Sacombank từ một ngân hàng khỏe mạnh đã “lâm bệnh” trở thành một ngân hàng yếu.
Thực vậy, nợ xấu sau khi sáp nhập (cuối năm 2015) đã lên tới 10.778 tỷ đồng dù đã bán cho VAMC hơn 14.000 tỷ đồng nợ xấu trước đó. Chưa dừng lại ở đó năm 2016, Sacombank còn phải bán tiếp tục bán cho VAMC 23.158 tỷ đồng, năm 2017 là 13.482 tỷ đồng. Một thực tế khác nữa là số tiền mà Sacombank đã trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu này rất thấp.
Không chỉ có nợ xấu Sacombank còn phải “ôm” một tài sản rất xấu khác là các khoản phải thu của Phương Nam. Trong đó, chỉ riêng khoản phải thu là lãi dự thu đã tăng lên ngay sau khi sáp nhập lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, tác khoản phải thu rất khó thu hồi khác cũng đã trên 10.000 tỷ đồng.
Như một hệ quả tất yếu kết quả kinh doanh của Sacombank những năm sau đó rất yếu kém. Cụ thể, thu nhập từ lãi thuần năm 2015 là 6.575 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 648 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, tình trạng kinh doanh càng trở nên bi đát khi thu nhập từ lãi thuần chỉ đạt 4.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 88 tỷ đồng. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đó.
Bước sang năm 2018 và 2019, thu nhập từ lãi thuần của Sacombank tăng lên lần lượt là 7.633 và 9.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.790 và 2.454 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Sacombank phục hồi về mức tương đương năm 2013 và 2014, trước thời điểm sáp nhập Phương Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sacombank duy trì được kết quả kinh doanh khá tốt với thu nhập từ lãi thuần đạt 5.477 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.129 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng so với các ngân hàng khác Sacombank đã bị bỏ rơi xa lại phía sau. Chẳng hạn, dù có tổng tài sản nhỏ hơn Sacombank nhưng năm 2019 VPBank có thu nhập từ lãi thuần lên tới 30.670 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần Sacombank, lợi nhuận sau thuế đạt 8.260 tỷ đồng cao gấp 4 lần. Tương tự các ngân hàng có quy mô tương đương Sacombank trước sáp nhập như Techcombank, ACB và Ngân hàng quân đội cũng vượt xa Sacombank vào thời điểm hiện tại.
Những dấu ấn vẫn chưa thể “nhạt phai” từ Phương Nam
Dù đã trải qua quá trình sáp nhập hơn 5 năm dấu ấn của Phương Nam trong báo cáo tài chính của Sacombank hiện nay vẫn còn rất lớn. Những dấu ấn này chính là các khoản phải thu và các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6 năm 2020, giá trị gốc trái phiếu Sacombank hoán đổi nợ xấu cho VAMC vẫn còn lên tới 32.129 tỷ đồng, giảm 1.418 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng số tiền dự phòng cho trái phiếu này đang ở mức 4.158 tỷ đồng. Như vậy, hiện vẫn còn khoảng 27.971 tỷ đồng trái phiếu của VAMC. Đây chính là các khoản nợ xấu của Sacombank trong suốt gần 5 năm qua vẫn chưa xử lý được. Có lẽ phần lớn số nợ xấu này có nguồn gốc từ Phương Nam trước đây.
Một tài sản lớn khác cũng liên quan đến ngân hàng Phương Nam chính là các khoản phải thu khổng lồ. Trong đó, đáng chú ý là khoản phải cấn trừ nợ lên đến gần 5.000 tỷ đồng, hợp đồng cam kết mua lại chứng khoán 1.645 tỷ đồng, phải thu khách hàng khi bán tài sản đảm bảo tại khu công nghiệp Đức Hòa III là 6.900 tỷ đồng, phải thu từ Vàng bạc đá quý Phương Nam 503 tỷ đồng
Chưa dừng lại ở đó một tài sản cũng được xem là rất khó thu hồi là các khoản lãi dự thu gần 14.000 tỷ đồng được khoanh lại phân bổ dần chi phí hoạt động kinh doanh; lãi dự thu cam kết mua lại chứng khoán 912 tỷ đồng và khoảng 224 lãi dự thu trái phiếu. Tất cả khoản lãi dự thu này đều xuất phát từ Ngân hàng Phương Nam trước đây và hiện nay gần như không có khả năng thu hồi.
Như vậy, có thể thấy sau 5 năm sáp nhập “dấu ấn” còn lại của Phương Nam tại Sacombank cho đến nay vẫn còn rất lớn với các khoản nợ xấu rất khó để thanh lý và các khoản phải thu gần như không thể thu hồi được với tổng giá trị lên đến gần 40.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu hiện tại của ngân hàng này là 27.447 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu STB của Sacombank đang được giao dịch 13.500 đồng/cổ phiếu. Kể từ giữa tháng 9 đến nay giao dịch cổ phiếu STB khá ấn tượng khi có tin Kienlongbank đã tìm được đối tác bán 176,4 triệu cổ phiếu STB với mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, mặc dù Kienlongbank đã chính thức phủ nhận tin đồn này nhưng nhiều người vẫn hi vọng nó là sự thật và giá cổ phiếu STB có thể tăng tiệm cận mức giá tin đồn này.
Hiện nay, dù hoạt động kinh doanh đã dần khởi sắc sau sáp nhập nhưng có lẽ với khoản tài sản xấu khổng lồ đó còn lâu Sacombank mới có thể tiêu hóa hết. Nhiều chuyên gia đánh giá mức giá STB là 13.500 đồng/cổ phiếu vẫn được xem là quá cao. Vậy liệu, tin đồn mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu mà “đại gia” nào đó bỏ ra để mua cổ phiếu STB liệu có phải là thực tế hay không?