“Cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) đang đẩy cổ phiếu công nghệ toàn cầu lên tầm cao mới. Tại Mỹ, nhà sản xuất chip Nvidia tạo ra bước nhảy vọt thần kỳ lên gần 2.000 tỷ USD vốn hóa. Nửa bên này bán cầu, cổ phiếu FPT của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng theo xu hướng khi vừa lập đỉnh mới.
Giá trị vốn hóa thị trường FPT kết phiên 28/2 lập kỷ lục 137.800 tỷ đồng (~5,6 tỷ USD), tăng 15.700 tỷ từ đầu năm 2024. Kết quả này giúp FPT củng cố vị trí số 1 về vốn hóa trong nhóm công ty công nghệ, đồng thời đưa tập đoàn tiến gần đến top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Dù không tăng nóng như các cổ phiếu cùng ngành trên thế giới nhưng xét về độ bền bỉ, FPT có lẽ không thua kém bất kỳ cái tên nào. Trong một thập kỷ trở lại đây, chỉ duy nhất năm 2018, giá trị của tập đoàn công nghệ này không tăng trưởng. Sau 10 năm, vốn hóa của FPT đã tăng gấp gần 11 lần, tương ứng mức tăng trưởng kép gần 27%/năm, một con số rất ấn tượng.
Đáng chú ý, tăng bền bỉ trong nhiều năm qua nhưng mức định giá của FPT theo đánh giá của BSC vẫn còn khá mềm và có thể có thể chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Các chỉ số EV/EBITDA, EV/EBIT hay P/E của FPT theo tính toán của Bloomberg đều đang nằm trong nhóm thấp nhất khu vực.
Lợi nhuận tăng trưởng đều đến kinh ngạc
Đà tăng của FPT những năm qua được hỗ trợ bởi nền tảng cơ bản vững vàng. Kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động của tập đoàn năm 2018, tập đoàn công nghệ này liên tục tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm. Mức tăng trưởng thường xuyên được duy trì quanh 20% một cách đáng kinh ngạc.
Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận đạt được trong năm qua cũng đều là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động.
Năm vừa qua, doanh thu mảng dịch vụ CNTT nước ngoài đạt 24.288 tỷ đồng (1 tỷ USD), tăng 28,4% svck, nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ đến từ thị trường Nhật Bản (+43,4%) và Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) (+37,7%). Doanh thu ký mới của mảng CNTT nước ngoài đạt 29.777 tỷ đồng (+37,6% svck), trong đó có 37 dự án (+19,4% svck) với quy mô trên 5 triệu USD. FPT đặt mục tiêu doanh thu mảng CNTT nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2030 (tương đương mức tăng trưởng kép 26% trong giai đoạn 2024-2030).
Trong năm 2023, FPT cũng đã quyết liệt mở rộng thị trường thông qua M&A trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. FPT đã mở rộng phạm vi địa lý bằng việc mua lại 3 công ty Mỹ và 1 công ty EU trong năm 2023, nhờ đó tăng cường đáng kể khả năng công nghệ và năng lực bán hàng. Cụ thể, FPT đã công bố việc mua lại Intertec vào tháng 2, Landing AI (Mỹ) vào tháng 10, Cardinal Peak (Mỹ) vào tháng 11 và Aosis (Pháp) vào tháng 12.
Đòn bẩy AI tạo sinh và nền tảng đám mây
Đánh giá về triển vọng năm 2024, Chứng khoán BSC dự báo nhu cầu chuyển đổi số tại các thị trường nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ, APAC, EU) của FPT sẽ duy trì mức cao với động lực thúc đẩy đến từ (1) nhu cầu AI tạo sinh kỳ vọng bùng nổ trong 2024; (2) xu hướng dịch chuyển lưu trữ, xử lý dữ liệu lên các nền tảng đám mây, trung tâm dữ liệu.
Theo dự báo, doanh thu AI tạo sinh thế giới kỳ vọng đạt 137 tỷ USD (+104% yoy) trong 2024 và tăng trưởng với tốc độ 37% CAGR/năm trong giai đoạn từ 2024 – 2030 nhờ (i) những tác động rõ rệt của công nghệ này lên hiệu quả hoạt động ở hầu hết các ngành nghề kinh tế hiện tại; (ii) AI tạo sinh tận dụng tối đa các nguồn dữ liệu lớn (BigData).
Bên cạnh đó, hầu hết những ứng dụng công nghệ số hiện tại (quản lý bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng,…) đều được thông qua các nền tảng đám mây (ii) tiết giảm các chi phí quản lý, lưu trữ dữ liệu và đầu tư phần cứng (iii) tránh thất thoát các dữ liệu đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng,…
BSC cho rằng đây sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho FPT không chỉ trong 2024, mà trong chu kỳ 5-6 năm tiếp theo. Ban lãnh đạo FPT cũng đặt ra kế hoạch đạt 5 tỷ USD tại các thị trường nước ngoài (tương đương 25% CAGR/năm) vào năm 2030 nhờ (1) dư địa cải thiện thị phần lớn, giá thành cạnh tranh, dịch vụ chất lượng (2) tích cực trong các hoạt động M&A tại các thị trường nước ngoài (3) nhu cầu chuyển đổi số lớn trong giai đoạn 2024 – 2030.
Về dài hạn, BSC đánh giá dư địa cải thiện thị phần lớn của FPT tại các thị trường nước ngoài thông qua các hoạt động M&A tích cực, giá thành cạnh tranh so với đối thủ khác như Trung Quốc, Ấn Độ (thấp hơn từ 15-20%). Bên cạnh đó, vị thế của FPT trên tại các thị trường nước ngoài đã được tăng lên đáng kể sau nhiều năm cung cấp dịch vụ, cũng như M&A các công ty công nghệ khác. Ngoài ra, tiềm năng từ mảng giáo dục với biên lợi nhuận lớn ngày càng đóng góp nhiều hơn vào cơ cấu lợi nhuận của FPT.
Link nguồn: https://cafef.vn/con-sot-co-phieu-cong-nghe-khong-bo-qua-viet-nam-fpt-vuot-dinh-day-von-hoa-lap-ky-luc-moi-dinh-gia-gay-bat-ngo-188240228164842326.chn