Cổ phiếu Hoa Kỳ giảm vào thứ Tư, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp và khởi đầu tháng 9 không mấy tốt đẹp. Giá dầu cũng giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm có thể cung cấp bức tranh rõ ràng hơn về tình hình kinh tế và triển vọng lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,16% xuống 5.520,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,3% xuống 17.084,3 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 38,04 điểm, tương đương tăng 0,09%, đóng cửa ở mức 40.974,97 điểm.
“Thị trường vẫn thận trọng sau đợt bán tháo ngày hôm qua. Các nhà đầu tư vẫn còn hơi dao động, cảm thấy thiếu niềm tin vào giao dịch. Mọi người đang chờ báo cáo việc làm vào thứ sáu. Cho đến khi báo cáo đó được công bố, thì đó là tâm lý chờ đợi và xem xét”, Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư tại Truist, nói với CNBC.
Cổ phiếu Nvidia tiếp tục trượt dốc, giảm 1,7% sau khi Bloomberg đưa tin Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã triệu tập nhà sản xuất chip này. Cổ phiếu Nvidia đã giảm hơn 9% vào thứ Ba, tham gia vào đợt bán tháo rộng hơn đối với cổ phiếu chip và công nghệ.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã phục hồi trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với AMD và Tesla tăng lần lượt 3% và 4%.
Các chỉ số đã bật lên từ mức thấp trong phiên sau khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trở lại bình thường trong thời gian ngắn. Trước đó, đường cong đảo ngược khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Sự đảo ngược của đường cong lợi suất được coi là dấu hiệu của suy thoái kinh tế và luôn gây lo ngại cho các nhà đầu tư.
Phiên giao dịch ngày thứ Ba là phiên giảm mạnh nhất trong một ngày đối với cổ phiếu Hoa Kỳ kể từ ngày 5 tháng 8. Việc bán tháo cổ phiếu chip và lo ngại về nền kinh tế chậm lại sau khi dữ liệu mới nhất kéo thị trường đi xuống.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Phố Wall đang chuẩn bị cho một tháng 9 đầy biến động. Theo lịch sử, tháng 9 là tháng tồi tệ đối với cổ phiếu Hoa Kỳ. Một số nhà giao dịch dự đoán mức giảm 5% trở lên vào tháng 9 năm nay.
Thị trường đã chứng kiến mức giảm sâu trong những tuần gần đây, nhưng chiến lược gia Sid Vaidya của TD Wealth cho rằng điều đó không nên làm nản lòng các nhà đầu tư.
“Chúng tôi coi đây là biến động ngắn hạn và bình thường. Chúng tôi không thay đổi vị thế đầu tư dựa trên diễn biến thị trường trong vài ngày”, ông Vaidya cho biết.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent tương lai tại London giảm 1,05 đô la/thùng, tương đương 1,42%, xuống còn 72,7 đô la/thùng. Giá dầu thô WTI tương lai tại New York giảm 1,14 đô la/thùng, tương đương 1,62%, xuống còn 69,2 đô la/thùng.
Giá dầu dao động giữa mức tăng và giảm trong suốt phiên giao dịch, khi các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng nhu cầu trong những tháng tới và các nhà sản xuất đưa ra tín hiệu trái chiều về nguồn cung. Giá đang ở mức thấp nhất trong chín tháng và đã xóa sạch mọi mức tăng trong năm nay.
Theo hãng tin Reuters, liên minh OPEC+ giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước không phải thành viên bao gồm Nga có thể sẽ trì hoãn việc tăng sản lượng từ tháng 10 năm nay vì sản lượng dầu của Libya có khả năng phục hồi.
Giá dầu thô Brent đã giảm khoảng 11% chỉ trong hơn một tuần, vì dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Hoa Kỳ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng toàn cầu chậm lại.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, cho biết: “Đây chắc chắn là mối lo ngại về sự chậm lại của hoạt động sản xuất. Đó là yếu tố tiêu cực duy nhất mà chúng tôi đang thấy”.
Thứ Bảy tuần trước, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng vào tháng 8. Vào thứ Ba, dữ liệu từ Hoa Kỳ cho thấy sự suy yếu tiếp tục.
Trong khi đó, các nhà giao dịch tin rằng Libya sắp giải quyết được bế tắc chính trị, mở đường cho việc nối lại xuất khẩu dầu. Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh như vậy, OPEC+ có khả năng sẽ trì hoãn việc tăng sản lượng một lần nữa để tránh gây thêm áp lực giảm giá dầu.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-tiep-tuc-truot-doc-trong-luc-cho-bao-cao-viec-lam.htm