Trong khi thị trường vẫn đang trong xu hướng giằng co, cổ phiếu ngành thép đang đi ngược dòng để hút tiền tốt. Nhìn chung, trong tháng qua, 3 cổ phiếu dẫn đầu ngành thép đều có mức tăng vượt trội với HPG (+17%), HSG (+26%), NKG (+27%). Bên cạnh sự tăng vọt của giá thép trong nước và thế giới, kỳ vọng ngành thép sẽ phục hồi vào năm 2024 cũng là động lực quan trọng cho ngành này.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Nhật Việt (VFS) đánh giá sản lượng bán tiếp tục có dấu hiệu tạo đáy trong động lực từ xuất khẩu để bù đắp cho sự thiếu hụt nhu cầu trong nước. Sản lượng bán thép thành phẩm cao thứ hai kể từ tháng 4/2023, tuy nhiên sự phục hồi vẫn khá nhẹ phản ánh rõ ràng nhu cầu trong nước vẫn còn yếu và chưa thực sự cải thiện. Sản lượng tăng nhẹ so với tháng 8, động lực chính vẫn đến từ xuất khẩu và một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc Nam, các dự án sân bay triển khai mới, đẩy nhanh tiến độ và một số dự án khác.
Sản lượng bán hàng của HPG cao nhất kể từ 16 tháng trở lại đây với động lực chính đến từ xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ tháng 10/2023 của HPG tiếp tục phục hồi, đạt 715.000 tấn thép thành phẩm (tăng 23,7% so với cùng kỳ và tăng 7,4% so với tháng trước), đây là con số cao nhất kể từ tháng 6/2022 cho thấy sự phục hồi rõ nét trong đó động lực thúc đẩy sức mạnh đến từ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Nhật Việt (VFS) cho rằng ngành thép toàn cầu đang được hỗ trợ nhờ gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các hạn chế sản xuất thép. Theo đó, động thái mới của Trung Quốc sẽ hỗ trợ ngành thép thế giới, (1) Việc Trung Quốc phát hành 1.000 tỷ trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế sẽ thúc đẩy giá VLXD trong ngắn hạn. (2) Trung Quốc sẽ phải giảm sản lượng thép theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU, lộ trình tiếp theo bắt đầu từ tháng 10/2023.
Ngành thép trong nước sẽ phục hồi nhẹ nhờ giá bán cải thiện, giúp cải thiện biên lợi nhuận
Nhóm phân tích dự báo nhu cầu trong nước sẽ phục hồi chậm khi ngành bất động sản chiếm 50-60% lượng thép tiêu thụ. Dù Chính phủ đang nỗ lực đưa ra các giải pháp cho ngành bất động sản nhưng VFS dự báo sẽ cần thời gian để phục hồi mạnh mẽ, có thể đến cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Tuy nhiên, giá bán thép sẽ cải thiện, qua đó giúp doanh nghiệp cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Giá thép trong nước sẽ tăng khi giá thép Trung Quốc có đà tăng mạnh vào quý 4/2023. Giá nguyên liệu sẽ giảm 20 – 30% vào cuối năm 2023, giúp doanh nghiệp có chi phí vốn rẻ.
Còn Hòa Phát (HPG), VFS dự báo sản lượng phục hồi nhẹ trong năm 2024. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước sẽ cải thiện đôi chút khi thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Với nhu cầu phục hồi nhẹ và việc cắt giảm sản lượng của Trung Quốc, VFS kỳ vọng giá thép sẽ phục hồi, giúp biên lợi nhuận của HPG được cải thiện. Ngoài ra, HPG cũng đã giảm dư nợ ngoại tệ từ 30,6 tỷ đồng vào tháng 6/2022 xuống còn 13 tỷ đồng. VFS cho rằng đây là điều hợp lý giúp HPG quản lý rủi ro trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh.
Trong báo cáo phân tích mới nhất, Công ty Chứng khoán MBS dự báo thị trường thép trong nước và xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi tích cực cả về giá lẫn sản lượng trong năm 2024.
Với thị trường trong nước, MBS Research kỳ vọng lượng tiêu thụ tăng 9% so với cùng kỳ và giá thép tăng 8% vào năm 2024. Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến sẽ cải thiện từ năm 2024. Nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% vào năm 2024, đạt 20.000 căn hộ và tại TP.HCM nguồn cung sẽ đạt khoảng 12.000 căn hộ (+31%). Nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu thép xây dựng trong nước.
Thị trường xuất khẩu kỳ vọng nhu cầu từ EU sẽ phục hồi trong bối cảnh các đối tác xuất khẩu chính sang EU không thể duy trì sản lượng và nguồn cung tại EU tiếp tục thiếu hụt. Sản lượng xuất khẩu thép dự kiến đạt lần lượt 10,5 triệu tấn (+25%) và 11,2 triệu tấn (+7%) vào năm 2023 và 2024. Ngoài ra, giá HRC xuất khẩu dự kiến sẽ đạt 800 USD/tấn (+8%) vào năm 2024.
Link nguồn: https://cafef.vn/co-phieu-thep-dong-loat-but-pha-manh-ky-vong-nao-cho-nam-2024-188231129192023027.chn