Thị trường tiếp tục cải thiện trong phiên giao dịch ngày 4/7. VN-Index gần vượt qua ngưỡng 1.280 điểm, tuy nhiên áp lực bán mạnh tại ngưỡng kháng cự này đã khiến chỉ số thu hẹp nhẹ mức tăng, đóng cửa ở mức 1.279,89 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp.
Tương tự, HNX cũng tăng nhẹ 0,45 điểm lên 241,88 điểm trong khi UPCoM nhích 0,36 điểm lên 98,26 điểm.
Sắc xanh được ghi nhận ở nhiều nhóm cổ phiếu. Thông tin Bộ Công Thương công bố khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc khiến các cổ đông ngành thép vui mừng. Hầu hết các cổ phiếu tăng điểm như HSG, SMC, TLH, thậm chí TVN và TIS đều tăng trần, chỉ có HPG đảo chiều xu hướng và giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận sắc xanh áp đảo khi VND, HCM, SHS, VDS, BSI, VCI… đều tăng tốt. Ngược lại, SSI, AGR, VIX, CTS… giảm nhẹ dưới 1%.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến trái chiều khi VPB, TPB, LPB, BID… tăng giá; tuy nhiên, các “ông lớn” VCB, CTG hay SHB, ACB, MBB đều điều chỉnh trong ngày trong khi VN-Index tăng tốt.
Tương tự, nhóm kinh doanh bất động sản ghi nhận VHM, KDH, VIC, DPG, GEX… đóng cửa trong sắc xanh với điểm số tăng. Trong khi đó, áp lực bán mạnh khiến KBC, HHV, PDR, NVL, HBC, DXG… đóng cửa với điểm số giảm.
Đáng chú ý, mặc dù chỉ số chính và hàng loạt cổ phiếu tăng tốt nhưng thanh khoản thị trường ghi nhận sự sụt giảm. Giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh chưa đến 13.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, thanh khoản giảm đã diễn ra trong khoảng nửa tháng trở lại đây, trong bối cảnh chỉ số chính chưa thực sự xác nhận xu hướng, khiến nhà đầu tư e ngại đầu tư hơn. Ngoài ra, các yếu tố khách quan cũng tác động, như khối ngoại bán ròng ồ ạt trong nhiều tháng, giá trị bán ròng trên HoSE trong nửa đầu năm 2024 đã vượt 53.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu lập kỷ lục năm bán ròng của vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cần phải nói rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn thông tin ế ẩm sau mùa ĐHCĐ, mùa báo cáo tài chính quý 2 vẫn chưa diễn ra. Sự tăng mạnh trong thời gian gần đây đã khiến định giá của nhiều cổ phiếu tăng vọt lên mức cao, không còn hấp dẫn nữa, điều này khiến thanh khoản và dòng tiền có dấu hiệu suy yếu. Một số lý do khác có thể đến từ việc hệ thống KRX chưa thể triển khai, cùng với câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn nằm ở kỳ vọng khiến dòng tiền mới khó vào.
Trong bối cảnh thanh khoản chung thiếu hụt, dòng tiền đang tìm đến các doanh nghiệp riêng lẻ, điển hình là FPT. Giao dịch cổ phiếu này vẫn diễn ra sôi động, thậm chí giá trị giao dịch trong phiên giao dịch ngày 4/7 xấp xỉ 1.100 tỷ đồng – cao nhất thị trường, tương đương gần 10% tổng giá trị sàn HoSE cùng ngày. Khối lượng giao dịch hơn 8 triệu cổ phiếu đổi chủ – cũng thuộc top đầu toàn sàn.
Dòng tiền ồ ạt đổ vào đã đẩy giá cổ phiếu FPT tăng mạnh, hiện ở mức 135.800 đồng/cổ phiếu, tiệm cận mức đỉnh 136.100 đồng thiết lập vào cuối tháng 6, tăng hơn 60% kể từ đầu năm. Vốn hóa của FPT như vậy đã đạt hơn 198.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong danh sách các công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam, chỉ sau Vietcombank và BIDV.
Với thanh khoản tốt như hiện tại, có khả năng FPT sẽ vượt đỉnh lần thứ 33 kể từ đầu năm 2024. Động lực tăng trưởng được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh bền vững của tập đoàn công nghệ hàng đầu này. Sau 5 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 23.916 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (PBT) đạt 4.313 tỷ đồng, tăng lần lượt 19,9% và 19,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 21,2% lên 3.052 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 2.403 đồng/cổ phiếu.
So với kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng (~ 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, tập đoàn đã đạt 39% kế hoạch doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận.
Link nguồn: https://cafef.vn/chung-khoan-tang-diem-nhung-thanh-khoan-mat-hut-dong-tien-do-bo-vao-co-phieu-fpt-18824070415542333.chn