Cổ phiếu Hoa Kỳ tăng vào thứ Hai, với S&P 500 đóng cửa gần mức kỷ lục và Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại, khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang về việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau bốn năm. Triển vọng lãi suất thấp hơn và lo ngại về sản lượng dầu của Hoa Kỳ sau cơn bão Francine đã khiến giá dầu thô tăng vọt.
Khi đóng cửa, S&P 500 tăng 0,13% lên 5.633,09 điểm. Dow Jones tăng 228,3 điểm, tương đương 0,55%, lên 41.622,08 điểm. Nasdaq mất 0,52% xuống 17.592,13 điểm.
Gây áp lực giảm mạnh nhất lên Nasdaq trong phiên này là mức giảm 2,8% của cổ phiếu Apple, sau khi một loạt các ngân hàng bao gồm Bank of America và JPMorgan cho biết hoạt động vận chuyển sản phẩm cho thấy dấu hiệu nhu cầu đối với mẫu iPhone 16 Pro mới của “táo khuyết” trong năm nay có thể không đạt mức của mẫu 15 ra mắt vào năm ngoái.
Nhà sản xuất chip Nvidia cũng giảm khi một số nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng giá tuần trước. Cổ phiếu kết thúc phiên giảm gần 2%. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác cũng giảm, với Broadcom giảm 2% và Marvell Technology giảm 1,5%.
S&P 500 chỉ còn cách chưa đầy 1% nữa là thiết lập lại mức cao kỷ lục được thiết lập vào tháng 7 và nhiều nhà phân tích tin rằng thước đo rộng nhất của cổ phiếu Hoa Kỳ có thể thiết lập một kỷ lục đóng cửa mới trong tuần này. Sau khởi đầu đầy khó khăn vào tháng 9, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ đều tăng vào tuần trước, với S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức tăng hàng tuần tốt nhất trong năm.
Cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Fed sẽ bắt đầu vào thứ Ba và kết thúc vào thứ Tư. Thị trường đang đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp này, khởi động một chu kỳ nới lỏng sau chu kỳ thắt chặt để chống lạm phát bắt đầu vào tháng 3 năm 2022. Sự thay đổi của Fed sẽ giúp giảm chi phí vay cho các doanh nghiệp, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng thu nhập.
Lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện ở mức 5,25-5,5%. Theo dữ liệu từ Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang định giá 62% khả năng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp này. Tỷ lệ cắt giảm 25 điểm cơ bản đã giảm xuống còn 38%.
Nhà phân tích cấp cao Christoper Barto của Fort Pitt Capital lưu ý rằng nhiều nhà đầu tư đã chốt lời từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trong phiên này, đặc biệt là các cổ phiếu chip. Phát biểu với CNBC, ông cho biết các nhà đầu tư “không nhất thiết nghĩ rằng vai trò của các cổ phiếu dẫn đầu thị trường sẽ thay đổi hoàn toàn, nhưng các cổ phiếu khác đã bắt đầu cải thiện. Điều này có liên quan nhiều đến triển vọng Fed cắt giảm lãi suất”.
Cổ phiếu tài chính và công nghệ đều tăng hơn 1% trong phiên giao dịch đầu tuần, đóng vai trò then chốt trong toàn bộ thị trường. Ngược lại, mức giảm mạnh nhất hơn 1% thuộc về nhóm công nghệ thông tin.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,59%, đóng cửa ở mức 72,75 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, đóng cửa ở mức 70,09 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Matt Smith của Kpler, cơn bão Francine mặc dù đã tan nhưng vẫn tác động đến sản lượng dầu tại Vịnh Mexico, một khu vực sản xuất dầu lớn của Hoa Kỳ. Đây là lý do khiến sản lượng dầu tại khu vực này chưa thể phục hồi hoàn toàn, góp phần làm giá dầu tăng, bên cạnh triển vọng Fed sắp có quyết định cắt giảm lãi suất.
“Sản lượng dầu vẫn bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Tác động này là đối với sản lượng dầu thô chứ không phải là lọc dầu. Vì vậy, thị trường đang nghiêng về phía tăng giá”, ông Smith cho biết.
Theo các nhà chức trách Hoa Kỳ, sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico vẫn thấp hơn 12% và sản lượng khí đốt thấp hơn 16% so với trước cơn bão.
Tuy nhiên, giá dầu đang phải đối mặt với áp lực giảm từ bức tranh kinh tế ảm đạm của Trung Quốc. Một loạt số liệu thống kê đáng lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được công bố vào cuối tuần tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chậm lại ở mức thấp nhất trong năm tháng vào tháng 8, trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục giảm. Sản lượng lọc dầu và hóa dầu của nước này cũng giảm trong tháng thứ năm liên tiếp.
Tuần trước, do ảnh hưởng của cơn bão Francine, giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 1%. Tuy nhiên, giá dầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của tháng 8, lần lượt là 78,88 USD/thùng và 75,43 USD/thùng, theo Reuters.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-lap-ky-luc-moi-truoc-them-cuoc-hop-fed-gia-dau-tang-manh.htm